Một người tập trung kém, vốn từ hạn chế – đã từ 5.0 và đạt 6.5 IELTS sau 2.5 tháng như thế nào.

(Đây là một bài mình viết trên một Group Facebook về học IELTS sau khi thi xong. Bài viết nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và gần 700 like nên mình share lại trên blog riêng này)
Thực sự trong 2.5 tháng này mình đã vật lộn với rất nhiều cách học. Và chỉ thực sự tìm ra cách hiệu quả với bản thân sau hơn 1 tháng lao vào IELTS. Mục tiêu của mình là 6.5 overall và KO kỹ năng nào được dưới 6.0.
Nói một chút về background của mình trước nhé. Mình có khả năng giao tiếp khá tốt trong môi trường công việc, nhưng nhược điểm là chưa bao giờ tiếp xúc với các kì thi cũng như format của bài thi IELTS trước đây.
Vốn từ mình khá kém, trí nhớ không tốt vì tuổi đã lớn. Không tập trung học rất rất nhiều năm vì đi làm từ rất lâu rồi, nên khả năng tập trung cũng kém xa so với các bạn trẻ. Không bao giờ ngồi học được quá 2h.
Xuất phát điểm của mình là 5.0, theo như kết quả kiểm tra trình độ đầu vào ở một trung tâm tiếng anh tháng 9/2019. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời mình biết 1 đề IELTS nó trông như nào.
Vì tháng 10 mình đi du lịch châu âu 1 tháng, đầu tháng 11 mới về đến VN nên bắt đầu tham gia lớp học vào khoảng 5/11. Trước đó trong lúc đi du lịch mình ko học gì nhiều, chỉ cài app Busuu và học linh tinh bữa đực bữa cái. Nói chung ko có hệ thống gì cả.
Tháng 11 khi bắt đầu đi học, mình mới thực sự ngợp và rất nản vì thấy IELTS khó và rộng quá, đặc biệt là với kĩ năng Reading và Writing, khi mà vốn từ của mình quá ít. Sau khi đi học khoảng 1 tháng, gần như ko bao giờ xem lại bài học trên lớp hay học từ trong bài, mình thực sự nhận ra trình độ mình tệ thế nào, khi làm thử vài bài test trong quyển Cam và quyết định phải thực sự đầu tư thời gian. Lúc đó mình nghĩ để đạt 6.5 có lẽ mình phải học khoảng 6 tháng và thi ít nhất 2-3 lần.

😍 Và sau đây là tất cả những gì mình đã làm sau khi đã thử n cách không hiệu quả – cách làm của mình chỉ phù hợp với ai thực sự đầu tư thời gian nhưng học mãi vẫn không lên band, không nhớ nổi từ mới và cấu trúc.

Về speaking: Cái này mình ko luyện nhiều nên ko có gì chia sẻ mấy.

  • IELTS khá khác so với thực tế giao tiếp của mình bên ngoài, khi bạn phải nói về 1 chủ đề trong 2 phút với các thể loại ngữ pháp, từ vựng sao cho ko bị lặp từ, rồi phải dùng các từ nâng cao trong 1 chủ đề, phải trả lời các câu hỏi mà bạn chưa bao giờ gặp trong thực tế giao tiếp (nó liên quan các vấn đề xã hội mà nhiều khi trong giao tiếp thông thường ko ai nói cả), lại còn phải build câu trả lời cho nó academic… Nói chung khá khác thực tế và không phù hợp với người nói theo cảm xúc như mình. Nếu gặp 1 chủ đề theo mình là chán, mình có thể nói cho xong chứ không thích show off nhiều vì hoàn toàn không có hứng. Mình cũng là người không muốn ép buộc bản thân làm những việc không thích, nên kệ thôi. Đến đâu thì đến.
  • Nên mặc dù mình là 1 người giao tiếp không hề tệ, thường xuyên có các cuộc meeting với người nước ngoài, bạn bè người nước ngoài, nhưng đây lại là kĩ năng mình khá sợ, sợ nhất là không có ý tưởng để nói, sợ nhì là mình luôn nói theo thói quen, theo bản năng nên ko bao giờ chú ý đến ngữ pháp, nên sai nhiều (quên chia động từ, quên chia số nhiều…), mặc dù mình nói trôi chảy, nhanh, ngữ điệu và phát âm tốt.
  • Điều mình tập duy nhất là nói chậm lại, rất chậm so với tốc độ bình thường của bản thân, để chú ý đến ngữ pháp hơn. Thực ra speaking mình ko luyện gì nhiều trong 2 tháng này, chỉ hoàn toàn là sự cố gắng nói chậm lại.
  • Một việc nữa mình hay làm khi học bị mất tập trung, là đặt bút xuống, mở youtube ra xem. Mình xem chắc tất cả các video của Đặng Trần Tùng trên youtube, note lại các từ vựng “khủng” theo chủ đề mà ổng nhắc đến, xem thêm vài video của Ielts faceoff nữa và vài bài mocktest speaking band 7+. Qua các video này mình hiểu hơn về cách phát triển ý khi bí, chiêu kể lể thêm về quá khứ hoặc so sánh với những thứ khác ở hiện tại đúng là có hiệu quả.

Về Reading:

  • Sau khi làm khoảng 2 bài test Reading trong quyển Cam 14, không bao giờ làm kịp thời gian và phải tra từ điển cả trăm lần. Mình nản, thực sự nản, vì vốn từ quá tệ. Mình dừng lại không luyện kĩ năng này nữa. Toàn bộ vốn từ mình học để làm phần này sau đó là từ Listening và Writing (đọc phần sau)
  • Mình chỉ rút ra được 1 điều về kĩ năng làm bài, là luôn làm bài điền từ vào chỗ trống trước vì nó dễ ăn điểm nhất. Với mình bài Matching Heading, True False Not-Given luôn là khó nhất và luôn để làm cuối cùng.

Về Listening:

  • Lúc đầu mình khá tự tin kỹ năng này trước khi bắt đầu học IELTS , nhưng sau khi làm thử bài trong quyển Cam, mình chỉ nghe được section 1 và 2, sang section 3 bắt đầu sai gần hết dù hiểu cơ bản nội dung, section 4 quá academic vì vốn từ hạn chế. Chưa bao giờ mình làm bài test nào ở nhà được trên 6 chấm cả.
  • Mình thấy một số bạn chia sẻ cách học listening bằng việc chép chính tả, và đây thực sự là 1 cách hiệu quả, nhất là với người cần học gấp vốn từ vựng như mình. Mình bắt đầu luyện chép chính tả các bài trong Cam 14, và đây gần như là quyển duy nhất mình học, ngoài quyển này mình có làm thêm 2 test trong Cam 10 (tổng 6 bài listening trong Cam, không làm nguồn nào khác). Mình nghe lần 1 làm bài, xem đáp án note lại chỗ sai, mở script nhưng ko đọc vội, nghe lần 2, viết lại những gì mình nghe, xem script xem nghe đúng không, làm từng câu một thôi chứ ko phải chép 1 lượt rồi mới xem lại. Nghe đi nghe lại chỗ mình chép sai. Tra TẤT CẢ các từ mình ko biết, sử dụng bút highlight từ mới lên. Sau khi làm xong, nghe lại 1 lần cuối từ đầu đến cuối.
  • Mỗi lần chép và nghe như vậy, 1 bài test listening trong quyển Cam ngốn của mình 1 ngày (8h) vì mình mất rất nhiều thời gian dừng giữa chừng để tra từ.
  • Nhưng ko chỉ dừng lại ở đó. Để học và nhớ được các từ mới kia, cần sự lặp lại liên tục. Mình cắm tai nghe và bật lại các section đó mọi lúc khi rảnh. Và vì đã chép cả bài rồi, nên khi nghe đến cái từ trước đó mình ko biết, mình nhớ ra ngay, lẩm nhẩm đọc lại từ đó, chứ ko đọc cả câu.

Về Writing:

  • Đây thực sự là 1 kỹ năng mình bắt đầu từ con số 0. Vì trong đời chưa từng viết một bài essay nào.
  • Ngày 28/12/2019 mình tham gia thi Mocktest 3 kỹ năng của IDP và điểm writing của mình là 4.0 . Về xem lại thấy làm sai cmn hết về cách trả lời task 2, dù bố cục đúng. Lúc này mình mới há mồm vì sợ. Và lúc này mới bắt đầu học nghiêm túc phần task 2
  • Về writing part 1, mình xem và chép lại toàn bộ những gì muốn nhớ ở youtube cô Thanh Loan, thấy cô này dạy đơn giản, dễ hiểu (rất tiếc là không giúp ích được gì trong phòng thi vì mình rơi vào đề Process)
  • Về writing part 2, mình tải 1 file pdf tổng hợp các bài viết của Simon, 37 bài mẫu. Nói qua một chút tại sao mình chọn Simon để theo, sau khi đọc nhiều bài của các thầy các cô nổi tiếng, mình quyết định chỉ theo một người, là Simon vì các viết thống nhất trong gần như tất cả các bài, cấu trúc không quá phức tạp, từ vựng không quá khủng. Từ khủng quá mình học không vào. Từ trong các bài của Simon mình thấy áp dụng được cả vào speaking nên nhớ được. Cấu trúc thì lặp lại khá nhiều trong các bài cùng dạng câu hỏi, nên khi đọc nhiều lần sẽ nhớ được.
  • Cách học của mình vẫn tiếp tục là: chép chính tả (xem ảnh 1 bài mình chép cuối bài). Tập trung vào học từng dạng đề, chép các bài mình thấy hay của dạng đó, ít nhất 5 bài (không phải bài nào Simon cũng hay, nhiều bài đưa ví dụ như đấm vào mặt 😂).
  • Sau khi chép xong, cần phân tích cách làm bài, trả lời câu hỏi thế nào, body 1 viết gì, body 2 viết gì, kết luận ra sao
  • Không chỉ chép 1 bài 1 lần, bài mình tâm đắc, mình chép n lần ra nháp đến khi gần như thuộc. Chép vào vở thì kiểu sạch đẹp, bôi highlight hồng cho cấu trúc, bôi highlight xanh cho cụm từ cần học. Sau đó chép ra nháp lại, chép từng câu đến khi thuộc cả câu đó mới chuyển câu tiếp theo. Dù chép xong chả bao giờ mình test thử bản thân xem đã thuộc thật chưa, nhưng thực sự là nó có ngấm vào người lúc nào ko biết.
  • Đây có lẽ là cách học giúp ích nhất và nhờ nó mình đã đạt được điểm mong muốn, dù bị tủ đè.😍
Hôm đi thi 18/1/2020, tâm trạng là, rất không tự tin, vì học chưa tới, nghĩ bụng thôi thì thi thử 1 lần cho biết. Càng down hơn khi đề writing rơi đúng vào đề không thể nào đen hơn – Task 1: Process of ethanol production from corn.
Cứ há mồm ra cười không biết phải làm sao ) Mình CHƯA TỪNG học đề dạng này, thề, vì giang hồ đồn thổi nó ra siêu ít, chỉ tầm vài % trong năm. Chưa từng đọc 1 bài mẫu đề này chứ đừng nói là làm. Cười ko ngậm được mồm trong phòng thi, lầm bầm chửi thề vài câu, xong quẳng nó sang 1 bên, lao vào làm Task 2 trước. Giờ mình không còn nhớ nổi viết gì trong task 2 nữa rồi, chỉ biết là ko nháp nhủng gì sất, viết thẳng vào bài và còn éo thèm đọc lại (do nghĩ task 1 thế kia thì task 2 kéo thế éo nào được) xong 40 phút thì cũng xong task 2, chỉ kịp đếm dòng nhân số chữ thấy cũng đu đủ 250 từ, nên bắt đầu quay sang task 1. Vì không có 1 khái niệm quái gì về dạng đề này, nên mình viết theo bản năng thôi, cũng mở bài, overview như mấy thể loại đề khác, thân bài thì viết đc đoạn 1, đoạn 2 đang viết dở hết mie nó giờ, nên thôi cũng cóc quan tâm.
Về khoe khắp nơi, chúng mày ơi tao bị tủ đè rồi, đốt 4.7M cho ông công ông táo rồi (thi ngày 18, thì 17 là ông công ông táo) 😅. Hôm sau đi thi speaking, chắc mẩm 98% trượt cmn writing rồi cố làm chi, gặp đúng 1 giám khảo già khó tính vl, thế là cũng chả cố, hỏi gì đáp nấy, part 3 như part 1, chả build bủng câu trả lời gì sất, cứ đáp cụt lủn 1,2 câu là thôi, chán.😝
Xả hơi vài ngày sau khi thi, đến hôm mùng 2 tết mình bắt đầu lao vào ôn luyện tiếp, để chuẩn bị tháng 2 thi lại. Hôm 30/1 mình chốt ngày thi lại rồi, chuẩn bị hôm sau đi đăng ký thi, thì má ôi ngày 31/1 sáng sớm tinh mơ 7 rưỡi, nhận được tin nhắn của IDP, overall 6.5, tất cả các kỹ năng đều 6.5 chằn chặn. Dụi mắt mấy lần ko thể tin được. Mà thực ra là éo tin thật, về nhà lấy passport lao lên IDP luôn, xác định là phải cầm bảng điểm trong tay em mới tin, sợ nhắn nhầm điểm đứa khác. Và hạnh phúc trào dâng, huhu, cầm bảng điểm trong tay, lại cười ko ngậm được mồm ạ, thực sự ko thể hiểu nổi tại sao lại thoát đc writing với điểm 6.5 như vậy. Chắc điểm task 2 phải yêu lắm mới kéo task 1 lên được thế. Vâng, em cảm ơn Simon, cảm ơn chép chính tả. 😂😂😂
Bạn nào trí nhớ già học mãi ko vào, cố mãi không nhớ được như mình, đừng nản nhé, thử cách này xem, có khi lại thấy đời nó tươi. Và tất nhiên, ai cũng cần 1 chút may mắn, phải không?

Ngoài ra mình có sử dụng 2 công cụ để học từ:

Sử dụng từ điển TFat trên điện thoại (bản free thôi):

Từ điển này thực ra không đủ và chuẩn như từ điển Cambridge, nhưng nó có chức năng Remind Words rất hiệu quả, nó sẽ nhảy lên các từ mình cho vào list vài lần trong ngày, rất phù hợp với người trí nhớ ngắn hạn như mình, cần remind nhiều lần mới thực sự nhớ được. Đặc biệt mình luôn thêm vào phần your note cho mỗi từ. Thường là thêm 1 câu trong bài Writing hoặc Listening. Khi bạn có phần customize riêng của mình như thế sẽ dễ nhớ hơn.

Thêm Your Note vào sẽ dễ nhớ từ hơn
Sử dụng TFlat bản free – Thêm Your Note vào sẽ dễ nhớ từ hơn – Lưu từ vào list ấn ngôi sao nha
Dùng chức năng Remind Words của từ điển TFlat để nó nhắc mình các từ đã thêm vào list – Mình thích tính năng này nhất

Flashcard viết tay

Mình mua bộ flashcard trắng, xài hết khoảng 150 cards. Bất cứ khi nào gặp từ mới trong bài Listening hoặc Writing, mình đều viết lên flashcard này, kèm theo cả câu đó. Cầm theo học khi ngồi trên xe hoặc bất cứ khi nào rảnh. Vì ngu lâu khó đào tạo nên phải dùng cách này. Bản thân việc chép lại từ và câu lên flashcard đã là một lần học rồi.

Mình dùng Flashcard trắng để viết từ mới kèm ví dụ là 1 câu trong Writing hoặc Listening

Không quảng cáo nhé, nhưng nhiều bạn hỏi là mua Flashcard này ở đâu nên mình trả lời: mình thấy hiệu sách nào cũng có bán, tuy nhiên giá hơi đắt chút, khoảng gần 40k một tập 50 đến 100 Flashcard tùy loại lớn nhỏ. Mình thì mua loại trong hình trên Tiki, thời điểm mình mua là 11k 100 Flashcard kèm cả cái khoen kia luôn, mua 1 đơn 300 cards (ship 20k nữa, tổng hơn 50k), giờ vẫn thừa hẳn 1 tập 100 cards chưa bóc luôn.

Vì nhiều bạn hỏi cách chép nên mình bổ sung chi tiết như sau:

Tất cả mấy cách chép chính tả này là dành cho mấy người học mãi ko vào nổi, già rồi trí nhớ kém, hoặc cho người có trí nhớ tạm thời tốt nhưng trí nhớ dài hạn lại hạn chế. Chứ các bạn trẻ học nhanh lắm chị ạ 😂 Và ưu điểm của việc chép này là học từ lỗi của bản thân mình, cái gì sai thì nhớ lâu vđ luôn ấy. 🤪🤪🤪

Cụ thể cách chép Listening:

 Bật file nghe lần 1: làm bài như bình thường (mỗi lần chỉ làm 1 section nhé, cả 4 luôn thì hơi bị chán)
 Xem đáp án, note ra nháp tất cả các đáp án mình làm sai
 Mở transcript, không đọc nhé, mở sẵn thôi. Bật file nghe lần 2: nghe từng câu rồi pause, chép ra nháp câu nghe được. Quay ra đọc transcript đúng câu đó (cố gắng ko để mắt đến câu tiếp theo). Nếu viết sai, nghe lại câu đó 1 lần nữa, chép lại đến khi nghe đúng, chép đúng thì thôi.
 Làm lần lượt từng câu như vậy đến khi hết section.
 Trong lúc nghe và chép từng câu, có từ mới tra luôn, highlight từ mới lên bằng bút highlight, ghi nghĩa và cách đọc bên cạnh từ luôn.
Cứ nghe và chép xong 1 section như vậy xong, bật lại file 1 lần nữa để nghe full đồng thời nhìn vào bài mình đã chép ra xem còn sai gì ko (soát lại lần cuối)
Sẽ mất rất nhiều thời gian nhé, bt làm xong 1 đề Cam theo cách này e mất 1 ngày nếu chăm chỉ, ko thì phải ngày rưỡi, 2 ngày nếu vừa làm vừa chơi.
Sau khi đã nghe và chép như vậy full 1 đề, nghe lại thì những hôm sau cắm tai nghe lại đề đó mọi lúc có thể.
Tổng mình chỉ luyện khoảng 6 đề listening trong quyển Cam như vậy thôi. Không thể làm hơn nổi =))

 Chép writing task 2:

Chép theo dạng bài (hết 5 bài dạng này mới chuyển dạng khác), để dễ ngấm cách trả lời từng dạng.
Chép lần 1 vào “vở sạch chữ đẹp”, highlight hồng cấu trúc hay, highlight xanh cụm từ hay, tra nghĩa, cách đọc viết bên cạnh luôn.
Phân tích bài viết, tại sao họ viết body 1 như thế, tại sao body 2 như thế, để làm gì (quan trọng).
Lần 2 – đến lần thứ n : chép ra nháp từng câu một. Sau khi chép câu 1 xong, che đi, tự bắt mình nhớ lại để chép lại đúng câu đó. Nếu chưa đúng, tiếp tục đọc lại câu đúng, xem sai ở đâu, tiếp tục chép lại chính câu đó, đến khi nào ko cần nhìn câu mẫu vẫn chép được đúng cả câu. Lúc này mới chuyển sang câu tiếp theo và làm y hệt thế đến hết bài.

Chúc mọi người học và thi tốt nha!

1 bài chép chính tả Writing của mình – Dùng highlight hồng cho cấu trúc hoặc ngữ pháp, highlight xanh có cụm từ cần học
Kết quả thi thử hôm 28/12
Kết quả thi thật IELTS

1 thought on “Một người tập trung kém, vốn từ hạn chế – đã từ 5.0 và đạt 6.5 IELTS sau 2.5 tháng như thế nào.”

  1. Câu hỏi các bạn thường hỏi nhất sau khi mình post bài viết này:
    1. Xin file pdf bài mẫu writing task 2 của Simon:
    Mình sử dụng chính 2 file pdf sau, để tránh nói là quảng cáo, mình ko đưa link trực tiếp, các bạn làm như sau:
    – Các bạn lên google, search: ” Tuyển tập hướng dẫn phân tích bài mẫu BAND 9 của thầy Simon toan zim” => file này trang zim vn đưa lên, có phân tích cụ thể các kiểu câu hỏi và các Simon trả lời cụ thể từng bài ra sao, mình đọc hết các phân tích này trước khi bắt đầu chép lại.
    – Các bạn lên google, search “Tổng hợp 37 bài mẫu IELTS Writing Task 2 Nguyễn Huyền” => File này tổng hợp 37 bài của Simon theo 5 dạng câu hỏi chính, có phần dịch của bạn Huyền, bôi đậm các cụm từ hay. Mình chủ yếu chép theo file này để thông về mặt nghĩa của bài hơn.

    2. Flashcard mua ở đâu? Mình đã edit bài viết phần này trả lời cụ thể, các bạn đọc đoạn nói về Flashcard.

    3. Cách chép chính tả cụ thể thế nào? Mình đã edit bài viết, các bạn đọc đoạn cuối bài.

    4. Mình học trong 2.5 tháng nhưng là mấy tiếng một ngày?
    Tháng đầu m gần như chỉ ngồi xem youtube, ko tập trung vì chưa biết sợ, 1 tháng rưỡi cuối do biết sợ nên bắt đầu gò vào học, 1 ngày tập trung vào bàn học khoảng 4-5h, ko liên tục nhé, cứ 1h lại fai đi đọc báo xem youtube 20 đến 30 phút, nhưng tâm lý là luôn nghĩ đến English mọi lúc mọi nơi. Cuối tuần dành nhiều time hơn, nhg vẫn là kiểu vừa học vừa chơi, khả năng tập trung kém nó thế, nhg ko quá gò ép bản thân vì ngồi học lâu nó ko có vào, cứ phải chơi 1 lúc mới quay lại học đc

Leave a Reply