Nhật ký chuyến phượt Điện Biên-Sa Pa, tháng 2-2017
Năm 2014 hồi ông xã còn sống, đã tự lái xe đưa 3 chị em đi phượt Cao Bằng. Khi về còn hẹn nhau, năm sau cũng đội hình như vậy sẽ đi Điện Biên, nhưng không ngờ “nửa đường đứt gánh”. Điện Biên vẫn là chuyến du lịch còn nợ lại cho đến khi có duyên gặp được Hội du lịch Cơm Nắm.
Chuyến đi này được tổ chức rất hay bởi 1 đôi vợ chồng ( Thu-Trường) ở Mỗ Lao-Hà Đông, tự lập ra hội Du Lịch Cơm Nắm, đôi vợ chồng này say mê du lịch, tận tình, chu đáo, tâm huyết với mọi người.
* Ngày thứ nhất (16/ 2/ 2017): từ Hà Đông đi Mộc Châu-Sơn La.
Dự kiến xe khởi hành lúc 3 giờ sáng, tuy nhiên do trục trặc 1 chút nên bắt đầu lên đường lúc gần 3 giờ rưỡi sáng. Đoàn tổng cộng có 22 các cụ khốt từ 50 đến 80 tuổi, đáng nể đấy chứ.
Xe theo QL6 tiến thẳng đến Hòa Bình rồi Mộc Châu, sương mù mờ mịt ngoài của sổ, khoảng 7 giờ sáng rồi mà chưa thấy mặt trời đâu. Xe dừng tại 1 dãy quán ven đường cho mọi người ăn sáng, quán vắng mờ sương, gió lạnh hun hút, lèo tèo vài thứ, nhưng có bếp lửa đang cháy rừng rực đun nồi ngô luộc. Nào ngô nóng, nào cơm lam, trứng luộc cũng đủ làm mọi người ấm bụng rồi, lại lên đường thôi.
Sương rồi cũng tan, cảnh rừng núi rõ dần, những cây mận hoa trắng, cây đào hoa đỏ nở muộn vẫn thấp thoáng ngoài cửa sổ. Nghe nói ở Mộc Châu có những vườn hoa cải đẹp lắm nhưng không thấy đâu, chắc đã nở trước tết rồi, chỉ còn lại những vườn mận hoa nở trắng cũng rất đẹp.
Đến thăm thác Giải yếm, nghe tên đã thấy hay rồi, tiếc là mùa này không có nước, nhìn từ trên xuống chỉ thấy dòng suối Sập có chút nước chảy qua các tảng đá cuội to, trên đá phủ kín bằng những gốc cây rừng. Nếu có nước, thác và dòng suối này chắc sẽ rất đẹp. Mọi người dừng lại ăn trưa tại khu sinh thái Rừng Thông, phong cảnh nơi đây hệt như Đà Lạt, có hồ nước nằm giữa rừng thông, không khí mát lạnh, trong trẻo, tinh khiết. Vài cụ khốt thuê xe đạp đi quanh hồ, cụ nào mệt thì ngồi ăn trưa trong quán ngắm hồ, ngắm rừng. Sau quán cũng là 1 hồ nhỏ nữa, bên trên vài ngôi nhà sàn, dưới vườn mấy chú ngựa đang yên bình gặm cỏ.
Cao nguyên Mộc Châu khí hậu mát mẻ là xứ xở của chè, nổi tiếng là đồi chè trái tim, cả vùng chè xanh ngắt hiện ra trước mắt. Trên những quả đồi thấp thấp, những luống chè đều tăm tắp uốn cong mềm mại như những dải lụa màu xanh lá. Có 1 chỗ các luống chè được trồng theo hình trái tim nhiều lớp rất đẹp, mọi người thường đến đây chụp ảnh, bên ngoài có ngay 1 dãy hàng quán bán sản vật địa phương và cho thuê váy áo dân tộc để chụp ảnh. Các cụ tíu tít chụo ảnh và cười ngất ngây với những bộ váy áo sặc sỡ, dường như quên hết tuổi tác, quên hết ưu phiền.
Rồi đến thăm hang Dơi mà chả thấy con dơi nào,chỉ thấy ngưỡng mộ 2 cụ cao tuổi nhất đoàn vẫn leo phăng phăng lên tận hang trên dỉnh núi.
Chiều muộn xe tới thành phố Sơn La. Vẫn kịp đi tắm nước khoáng nóng ở bản Moòng cách Sơn La khoảng 8 cây. Nước khoáng nóng được chảy thẳng vào bể to, có thể chứa được 5-6 người, 3 chị em tắm 1 bể chỉ hết 70k, rẻ vãi. Tắm xong bao nhiêu mệt mỏi trên đường đi tan biến hết, thật sảng khoái, nhẹ nhõm. Đêm về ngủ “không vẫy đuôi” như kiểu nói của bố Đ.
* Ngày thứ hai: Sơn La – Điện Biên
Thủy điện Sơn La trên sông Đà nổi tiếng bây giờ mới thấy, cũng hoành tráng lắm, mọi người chỉ được thăm và chụp ảnh bên ngoài. Mùa này ít nước nên không được nhìn các cửa xả nước làm việc. Chỉ thấy trên đập, hồ nước tĩnh lặng soi bóng cây và dãy núi 2 bên.
Nào nhà tù Sơn La, nào cây đào Tô Hiệu biết đến từ hồi nhỏ, học trong sách vở, nay được nhìn tận mắt. Ấn tượng bài thơ của nhà cách mạng Xuân Thủy năm 1939 :
Non cao bốn mặt trùng trùng/ Ngàn cây man mác rậm rừng hoang vu/ Một vùng trời đất âm u / Đêm hiu hắt lạnh ngày mù mịt sương.
Bài thơ tả cảnh mà cũng tả tâm trạng khi đó, nỗi buồn cảnh tù đày.
Trên đường từ Sơn La đi Điện Biên khoảng 170km, xe qua đèo Pha Đin, 1 trong tứ đại đỉnh đèo vùng núi phía bắc. Rất may là khi qua đèo trời quang, nắng lên ấm áp. Trên đỉnh đèo có một vườn hoa rất đẹp, hàng dãy đào bích, đào phai đang nở rực rỡ, độc đáo có 1 cây hoa nhài Nhật thơm ngát màu tím. Bên cạnh lại có cả vườn hoa cải vàng, vườn hoa tam giác mạch nở muộn, dưới thung lũng ẩn hiện vài ngôi nhà sàn nhỏ xíu. Các cụ khốt lại tíu tít chụp ảnh, tận hưởng nắng, gió trong vắt trên đỉnh đèo.
Tiếp tục lên đường tới Điện Biên, những đồi ruộng bậc thang đã gặt xong còn trơ gốc rạ, những chú ngựa thủng thỉnh gặm cỏ giữa thung lũng, hiếm hoi vẫn thấy có thác nước trắng xóa ẩn hiện xa xa trong rừng, những dòng suối nước cạn sâu tít dưới chân vực, những vạt nắng làm rực lên màu xanh của rừng hai bên đường.
Chiều muộn tới TP Điện Biên. Tối vẫn kịp lên thăm tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1. Vậy là đã đi được quãng đường khoảng 500 cây số từ Hà Nội rồi.
* Ngày thứ ba: Điện Biên – Mường Nhé
Qua thăm di tích đồi A1, hầm tướng Đờ Cát, lịch sử một thời chiến tranh khốc liệt đã qua, cảm nhận được phần nào sự BI và TRÁNG của nó.
Xe dông thẳng tới cửa khẩu Tây Trang, biên giới Lào nhưng không có ấn tượng gì ngoài những cây hoa ban mầu hồng nhạt nở rất đẹp.
Chỉ thấy ở Điện Biên, thung lũng Mường Thanh quả thật rất đẹp. Cánh đồng lúa non xanh thăm thẳm, rộng bát ngát nằm lọt giữa những dãy núi cao xa xa, làm cho tầm mắt mình dường như được dãn ra, được giải phóng sau khi đi qua bao cung đường núi, tầm mắt bị chặn bởi các dãy núi liên tục 2 bên đường.
Từ Điện Biên đi Mường Nhé khoảng 250 cây, để tới A Pa Chải, vùng biên giới 3 nước Lào-Việt-Trung nơi mệnh danh “con gà gáy 3 nước cùng nghe”. Đường núi, dốc, ngoằn nghèo kinh khủng. Mình đã từng đi Hà Giang, nhưng đường ở đây còn khiếp hơn. Buổi trưa đang tìm chỗ nghỉ ăn trưa thì không may xe hết dầu, khựng lại giữa đường, may sao nhìn sang bên đường thấy ngay 1 nhà sàn gỗ, mọi người kéo nhau vào ngồi nhờ bóng mát để ăn trưa. Chủ nhà là người Thái rất nhiệt tình mời mọi người vào nhà. Họ đi lấy rêu đá, đóng thành từng bánh bằng bàn tay, rồi ngồi bán bên đường cho khách. Cả đời mình chưa từng ăn rêu đá, chả biết mùi vị ra sao nhưng chắc chắn đó là 1 loại rau xanh sạch nhất trên đời.
Trời tối dần, 2 bên đường toàn rừng núi, lâu lâu mới gặp 1 vài xe máy hoặc ô tô chạy ngược chiều, không có nhiều thông tin về thị trấn Mường Nhé, chả biết có gì mà ăn không ở nơi đèo heo hút gió này. Khoảng 8 giờ tối cũng tới được Mường Nhé, hóa ra thị trấn này cũng không đến nỗi, vẫn có nhà nghỉ tử tế, ở được, vẫn có quán ăn tử tế, ăn được.
* Ngày thứ tư: A Pa Chải, điểm cực Tây của đất nước.
Sáng sớm xe suất phát đi A Pa Chải điểm cực tây của đất nước, cách Mường Nhé khoảng 60 cây số, mọi người mang sẵn cả bữa trưa. Đường núi vẫn khủng khiếp với những cua tay áo, những đèo dốc. Rồi xe cũng tới được đồn biên phòng A Pa Chải, do có liên hệ trước nên đồn cử 2 chiến sĩ trẻ dẫn đoàn lên cột mốc số không A Pa Chải. Cột mốc biên giới 3 biên này khởi đầu đường biên giới với Trung quốc đồng thời cũng khởi đầu đường biên giới với Lào. Theo như mình biết cả Việt Nam chỉ có thêm 1 cột mốc biên giới 3 biên nữa là cột mốc ngã ba Đông Dương: Lào-Việt-Cam Pu Chia ở tỉnh Kon Tum.
Cột mốc A Pa Chải nằm trên đỉnh núi Khoang La San có độ cao 1840m, có 3 mặt hướng về 3 nước. Mỗi mặt đều có quốc huy và tên nước. Theo như các chiến sĩ nói đi leo rừng khoảng 2 cây số nhưng thực tế khi leo dường như phải đến 5 cây. Cả đời mình chưa bao giờ trèo núi cao, trong rừng rậm, theo đường mòn bé xíu, vượt qua quãng đường kinh khủng như vậy, có lúc phải bám dây leo trèo lên dốc gần như thẳng đứng. Các cháu chiến sĩ đã mạng cho hết những ba lô túi xách nặng rồi, các cụ dường như đi tay không. Nếu không có mọi người trong đoàn và 2 cháu chiến sĩ trẻ giúp thì mình không bao giờ lên đến nơi. Thế mới biết mình dường như là người yếu nhất đoàn, lúc lên và xuống lúc nào cũng là trong tốp sau cùng. Thế mới biết bác Trang khỏe nhất trong 3 chị em, thế mới bái phục 2 cụ cao tuổi nhất đoàn, cụ ông 80 tuổi, cụ bà 77 tuổi, mà vẫn trèo lên tới đỉnh.
nghỉ chân giữa đường leo lên cột mốc biên giới
Rất may thời tiết quá đẹp, nắng nhẹ, khô ráo, mát mẻ. Trèo lên đỉnh mất khoảng 2 tiếng rưỡi, lên tới vừa giữa trưa, phía Trung Quốc đường lên núi rất hoành tráng, có bậc thang, có tay vịn đàng hoàng không như phía Việt Nam, phải leo đường rừng rất vất vả, nhểnh ra 1 chút không chú ý theo người dẫn đường là bị lạc ngay, thế mới biết phía họ đầu tư cho biên giới bài bản hơn ta nhiều. Lên đỉnh núi gặp nhiều khách TQ, họ đi cả gia đình, có cả trẻ nhỏ. Chả biết tiếng tăm gì nhưng tỏ ra rất thân thiện. Người TQ và VN vui vẻ chụp ảnh chung cùng cột mốc.
Mọi người ngồi bệt ngay xuống đất giữa trưa nắng, ăn trưa, chụp ảnh, cười đùa như chưa từng có lúc leo mệt đứt hơi, muốn bỏ cuộc.
chụp với các cháu bộ đội biên phòng
với cô bé người LàoLúc xuống hết khoảng 1,5 tiếng, mới thấy đau đầu gối, mới thấy chồn chân, may nhờ 1 cháu chiến sĩ vừa dìu vừa động viên. Trên đường về, cháu chiến sĩ chỉ lên đỉnh núi cao nhất ở đấy nói rằng các cụ đã vừa trèo lên đỉnh núi đó. Khiếp quá, thế mới biết các cụ khốt này cũng đáng nể thật, dường như không tin được mình đã vượt qua 1 thử thách kinh người.
Ăn cơm chiều tại đồn biên phòng cùng mấy chiến sĩ, rất vui.
Tối muộn mới về đến Mường Nhé, ngủ lại để kịp mai còn đi SaPa. Toàn thân đau nhừ, hình như 2 chân không phải của mình nữa, híc, bù lại thấy tự hào rằng mình đã tới được 1 vùng đất rất đặc biệt sau khi bỏ ra nhiều công sức, vùng đất không có nhiều người đến được, kể cả hội thanh niên.
* Ngày thứ năm: Mường Nhé-Lai Châu-Sa Pa
Hành trình tiếp tục đi sang Lai Châu để tới SaPa. Từ Mường Nhé qua Mường Chà rồi đến Mường Lay, 1 thị xã xinh đẹp nằm dọc theo sông Đà. Mường Lay ấn tượng bởi những dãy phố toàn là nhà sàn xinh xắn nằm san sát bên nhau, lần đầu tiên nhìn thấy phố nhà sàn, cũng thấy hay hay, rất đặc trưng của phố núi. Trên đường đi cảnh núi non trùng điệp, nào rừng thông, rừng keo, nơi thì bạt ngàn đồi chuối trải dài vài chục cây số. Tiếp tục đến TP Lai Châu thì chiều muộn rồi, trên đường từ Lai Châu đến SaPa còn khoảng 70 cây, quan trọng là sẽ qua đèo Ô Quý Hồ, là 1 trong tứ đại đỉnh đèo mà mình chưa tới, 3 đèo kia mình đã qua rồi. Cố lên nào, cầu mong qua đỉnh đèo khi trời còn sáng để được ngắm cảnh núi non ngoạn mục. Trời không cho có cố cũng chẳng được, đang leo đèo được 1 đoạn thì tắc vì gặp ngay 1 xe công ten nơ đổ giữa đường. Thôi hết hy vọng, chỉ kịp chạy xuống chụp mấy kiểu ảnh cảnh ô tô đổ được 2 cần cẩu lật lên và vài cảnh núi ở lưng chừng đèo trước khi trời tối sập xuống. Chờ 1 lúc sau xe qua được chỗ tắc, vượt qua đèo trong đêm tối chả nhìn thấy gì nữa, tiếc hùi hụi.
Đã 3 lần đến SaPa, lần gần nhất cũng 9 năm rồi, xe chạy quanh phố mà thấy buồn và thất vọng quá, đâu còn SaPa ngày trước, đường phố vẫn giăng đầy sương mù mờ ảo nhưng sáng trưng các loại đèn đủ màu, nhà nghỉ khách sạn cao tầng mọc như nấm, giống hệt các thành phố hiện đại dưới xuôi, không thấy đâu bản sắc SaPa nữa.
Tối muộn rồi nhưng 3 chị em vẫn mò mẫm đi tắm nước lá thuốc của đồng bào Dao, xong còn massage nửa đêm mới về KS, sảng khoái quá.
* Ngày thứ sáu: đỉnh Phansipan
Chỉ có đỉnh Phansipan là mình chưa lên nên đợi mọi người cùng lên, thực ra cũng không có ý nghĩa lắm vì cáp treo và xe điện trượt ray đưa mọi người lên tận nơi. Dưới SaPa trời nắng đẹp, ấm áp nhưng khi lên tới đỉnh Phansipan chả thấy mặt trời đâu, mây mù bao kín chỉ cách 20m là không thấy gì rồi, gió thổi như bão táp, muốn bay cả người. Dân tình vẫn hăng hái trèo lên để chụp ảnh chứ có ngắm được cảnh gì đâu. Giời ạ, mấy cụ khốt này cũng chinh phục đỉnh Phansipan như ai, hehe. Chiều về qua chợ Cốc Lếu mua linh tinh rồi dong thẳng về Hà Nội.
Chuyến đi này rất vất vả, đến những nơi rất đặc biệt nhưng mang lại nhiều cảm xúc tuyệt vời. Chuyến đi của các cụ khốt, những người không có nhiều tiền, không có nhiều sức khỏe, chỉ có nhà nghỉ bình dân và những bữa ăn bình dân, nhưng với rất nhiều đam mê khám phá thế giới thiên nhiên, con người xung quanh và quan trọng hơn là khám phá giới hạn của chính bản thân mình.