TÂY NGUYÊN 10-2017
Thực ra mình đã đi Tây Nguyên 2 lần rồi, toàn vào mùa khô (sau tết), lần này đi cùng 2 chị gái chưa từng lên Tây Nguyên, cũng là để đến những nơi mình chưa tới, điều quan trọng nữa là con gái chộp được vé máy bay giá rẻ nên khoác ba lô lên và đi thôi, chần chờ gì nữa.
Mùa mưa Tây Nguyên với mình là lần đầu tiên.
Ngày 1 (14/10) Hà Nội-Pleiku-Kontum
Theo dự kiến buổi chiều bay vào Pleiku, dành thời gian thăm Biển hồ trước khi đi Kontum nhưng đáng tiếc thay máy bay từ HN chậm chuyến, khi xuống đến Pleiku trời đã xẩm tối. Thuê taxi chạy thẳng ra Kontum (50km).
Trước tiên đến thăm chị Hồng ở Kontum, biếu chị chút quà Hà Nội, chị em gặp nhau vui quá. Chị Trang gặp lại chị Hồng sau hơn 10 năm trời, còn chị Huyền thì lần đầu tiên gặp chị, con gái duy nhất của người bác ruột.
Khách sạn Konklor sạch và đẹp như resort, nhưng giá quá rẻ, mình đã ở đây rồi nên chỉ đặt KS này thôi. Phòng 3 giường rất rộng rãi (320k), trang trí theo phong cách thôn dã, tre nứa dung dị nhưng rất tinh tế. Khuôn viên KS với cỏ cây hoa lá nhìn mê luôn, phong cách châu Âu nhưng vẫn mang đậm chất Tây Nguyên, ở KS này đa phần là khách du lịch nước ngoài.
Ngày 2 (15/10) Kontum
Sáng sớm chị em tranh thủ ra thăm cầu treo Kon Klor và nhà rông Kon Klor cách đó 5 phút đi bộ. Cầu treo dây võng Kon Klor bắc qua sông Đak Bla là cầu treo lớn nhất vùng Tây Nguyên, sông Đak Bla là con sông đặc biệt có dòng chảy ngược về phía tây. Sông Đak Bla sáng sớm đang ngái ngủ, mặt sông còn giăng đầy sương. Nhà rông Kon Klor ở ngay đầu cầu treo, rất đẹp nằm trong khuôn viên khu vườn rộng nhưng bị khóa cổng ngoài nên ko vào thăm được, hồi đầu năm mình đã ghé qua đây vẫn vào tự do mà, tiếc quá.
Chị Hồng đưa ô tô qua đón 3 chị em đi ăn sáng rồi đi thăm nhà thờ gỗ Kontum nổi tiếng. Nhà thờ chánh tòa này đã hơn 100 năm tuổi, kiến trúc độc đáo, làm bằng gỗ, tường bằng rơm chộn đất, hoàn toàn không có bêtông cốt thép. Nhà thờ nằm giữa khuôn viên vườn cây hoa lá rất đẹp, phía trước có 2 cây nêu cao, nhìn tổng thể nhà thờ mang đậm nét phong cách Tây Nguyên. Đúng vào sáng chủ nhật nên khi đến nhà thờ đang mở cửa, tiếng hát cầu kinh ấm áp của Cha cố và các tín đồ vang lên ngân nga, hay quá. Bên trong nhà thờ lung linh với mái vòm nhỏ khung gỗ sẫm màu nổi bật trên nền vòm trắng sáng, rất dung dị nhưng vẫn rất đẹp. Các giáo dân chủ yếu người dân tộc ở đây, nhìn họ đọc kinh rất say sưa, thành kính.
Tiếp đến thăm Tòa giám mục Kontum hay còn gọi là Chủng viện thừa sai Kontum. Tòa giám mục cũng khá đẹp nằm giữa khuôn viên khu vườn rộng, lối vào chính có 2 hàng cây đại cổ thụ độc đáo, chắc phải gần cả trăm năm tuổi, gốc cây to, sần sùi, nhìn rất ấn tượng. Kiến trúc Tòa giám mục có nét tương đồng với kiến trúc nhà thờ gỗ, phong cách Pháp nhưng đậm nét Tây Nguyên. Khu vườn rất rộng, ngập nắng sớm mai, lao xao tiếng bọn trẻ nói chuyện trong khi đang quét lá, bọn trẻ rất ngoan, đó là các cô bé tự nguyện đến đây quét vườn mỗi cuối tuần, thật dễ thương.
Đến thăm nhà anh chị Hồng-Tân, anh chị mở hiệu thuốc Tân Hồng ở Kontum này từ mấy chục năm nay rồi, nhà to sạch sẽ khang trang, phía sau có khu vườn tuyệt vời đầy hoa tươi thắm. Mừng cho gia đình anh chị, trải qua bao thăng trầm đến nay đã có thể nói là gia đình thành đạt, hạnh phúc.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen cách Kontum khoảng 50km, đường tốt xe chạy bon bon, 2 bên ngút ngàn là rừng thông. Lên đến Măng Đen khí hậu thật tuyệt vời, không khí trong lành, se lạnh, người ta gọi Măng Đen là Đà Lạt thứ 2 của vùng đất Tây Nguyên, tuy nhiên chưa được đầu tư thích đáng, có rất nhiều biệt thự xây dở để hoang. Điểm đầu tiên là nơi đặt tượng Đức Mẹ Măng Đen, tượng Đức Mẹ cụt tay là nơi hành hương công giáo nổi tiếng của giáo dân vùng Kontum, Gia Lai và cả Tây Nguyên. Nghe nói khi đào đất mở đường phát hiện ra bức tượng bị cụt tay, ko thể khôi phục được 2 bàn tay này nên người ta để nguyên như vậy. Bức tượng nhỏ đặt giữa rừng cây nguyên sinh, xung quanh tượng chất đầy hoa tươi và nhiều các bia đá ghi lời cảm tạ Đức mẹ, rất đông giáo dân ngồi quanh cầu nguyện. Nghe nói đang bắt đầu dự án xây nhà thờ ngay tại đây, nơi phát hiện ra bức tượng Đức Mẹ Măng Đen.
Tiếp theo là chùa Khánh Lâm, ngôi chùa lớn nhất Măng Đen. Kiến trúc chùa rất độc đáo, mái chùa mang dáng dấp mái nhà rông Tây Nguyên. Phía trước sân chùa có tượng 18 vị la hán, phía dưới có tượng Phật bà Quan Âm rất đẹp. Khuôn viên chùa rộng cả chục ha trên 1 ngọn đồi cao.
Rồi đến khu du lịch thác Pa Sỹ, thác này cũng đẹp, dòng thác trên cao đổ xuống 1 hồ nước nhỏ, qua 1 cây cầu nước chảy theo dòng suối, phía trước thác là khu đất rộng có các quán cho du khách vừa ăn đồ nướng, vừa ngắm thác. Mấy chị em cũng cháu chị Hồng (lái xe) đặt bữa ăn trưa có gà nướng, thịt lợn xiên nướng, cơm lam, trải chiếu ăn ngay tại 1 sân khấu nhỏ thô sơ, dựng dưới gốc cây to mát rượi, picnic như này mới sướng chứ. Ăn uống no say xong, đi lang thang quanh khu du lịch ngắm cảnh, chụp ảnh xì xoẹt. Đi tiếp đến khu du lịch sinh thái Hoàng Vũ, ngồi ăn kem và ngắm cảnh hồ Toong Đam, 1 hồ lớn của Măng Đen.
Chiều về nghỉ ngơi, rồi chị Hồng đến đón về nhà ăn tối với cả gia đình chị rất vui. Bữa ăn tối ấn tượng với món bánh hỏi đặc sản Kontum gồm có vịt quay ăn kèm với bánh như kiểu bánh cuốn ngoài bắc, cùng rau thơm, bánh đa nướng.
Ngày 3 (16/10) Kontum-Buôn Ma Thuột (240km)
Xe khách giường nằm đi Buôn Ma Thuột rất dễ chịu (xe Phương Huy), đường tốt, xe êm nên dù đường xa cũng ko thấy mệt. Bác T có vẻ phấn khích vì lần đầu tiên được đi xe giường nằm, hehe. Đến BMT check in ở KS Công đoàn Ban Mê, chính là KS trước đây mình và anh Đ đã ở hồi tết năm 2012. KS có khuôn viên rộng thoáng, tuy nhiên phòng bí, có mùi hôi và nhiều muỗi, đúng là đồ doanh nghiệp nhà nước, chả ra gì, thôi chót đặt rồi, ở tạm vậy. Đang loay hoay tìm cách đi Buôn Đôn, hoặc gọi taxi hoặc đi xe buýt, may quá có cô bé dọn phòng giới thiệu cho 1 cậu cho thuê xe chọn gói, sau khi mặc cả chán chê, ok, xong (rẻ hơn taxi). Nghỉ ngơi uống trà rồi alêhấp, lên đường đi khu du lịch Buôn Đôn thôi (cách 50km).
Cậu lái xe dân Nghệ cũng nhiệt tình, xe mới 7 chỗ êm, thoáng, trên đường đi trời lúc mưa lúc nắng, thời tiết này gay đây. Cũng may đến Buôn Đôn-cầu treo Sàn Si trời âm u nhiều mây nhưng không mưa. Cả khu du lịch vắng teo chả có ma nào ngoài 3 chị em, haha, thật đã đời, chả bù cho hôm đi với anh Đ vào thời điểm tết, đông khủng khiếp.
Khu du lịch này ấn tượng vì có hệ thống cầu treo Sàn Si, gồm nhiều đoạn cầu treo cho người đi bộ, rất chênh vênh, bắc qua 7 cây si, vượt sông Sêrêpôk sang hòn đảo nằm giữa sông. Những cây si này dường như đã gần cả trăm năm tuổi, các nhánh rễ si to như cả thân cây rất lớn. Tựa trên các gốc và rễ si là hệ thống cầu treo và các sàn gỗ rộng, có thể ngồi nghỉ ngơi, ăn uống trên đó, nhìn xuống dòng nước chảy phía dưới rất thú vị. Khu du lịch còn có dịch vụ cưỡi voi lội sông. Sợ chiều muộn ko kịp cưỡi voi, 3 chị em chạy thẳng đến khu này, may quá bọn voi vẫn đang chờ. Mỗi con voi chỉ chở 2 du khách, đi khoảng 500m dọc bờ sông mất 200K, nài nỉ cho cả 3 cụ khốt lên 1 con voi nhưng ko được đành thuê 2 con.
Nhớ lại ngày trước cùng anh Đ đến đây, muốn cưỡi voi phải xếp hàng rất dài, chờ ko biết bao giờ mới đến lượt. Đang lảng vảng ở chỗ sàn chờ, có cậu soát vé chắc thấy mình đoán là người Bắc nên đến gạ mua lông đuôi voi. Mình chả biết lông đuôi voi để làm gì những cũng ậm ừ nghe cậu ấy trình bày, có vẻ quý lắm, chữa nhiều bệnh, này nọ…đang lơ đãng nghe bỗng tỉnh người khi cậu ấy bảo, bác mua đi cháu ưu tiên cho bác cưỡi voi trước, ok cho bác lên voi trước đi bác sẽ suy nghĩ, thế là hấp 2 cụ khốt được lên trước với thông báo là ưu tiên người cao tuổi. Lúc voi lội qua sông và quay về lại trả khách ở sàn khác, mà người thì đông như kiến, chả nhìn thấy cậu soát vé đâu nữa để mà trả lời, thế là 2 cụ khốt dông mất, đi tìm quán gà nướng cơm lam, haha.
Dòng sông Sêrêpôk mùa này đáng ra rất nhiều nước, nhưng do những đập thủy điện được làm vô tội vạ trên thượng nguồn nên giờ ở đây nước rất cạn, lòng sông đá lổn nhổn, nhìn sông cạn mà buồn quá. Cả nước mình có khoảng gần 400 con sông chủ yếu chảy theo hướng Tây sang Đông, từ Tây Bắc xuống Đông Nam rồi chảy ra biển đông, Sông Sêrêpôk là 1 trong 3 con sông chảy ngược duy nhất ở VN, ko chảy theo quy luật mà chảy ngược về phía Tây sang Campuchia, rồi hòa vào sông Mêkông cũng như sông Đak Bla ở Kontum (con sông chảy ngược thứ 3 là sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn).
Vậy là bác H và bác T cũng đã được cưỡi voi rồi nhé, cưỡi voi lội sông Sêrêpôk nhé, các cụ khốt ngồi trên lưng voi cười hồn nhiên như trẻ thơ.
Chiều về cậu lái xe đưa đến nhìn qua ngã 5 có mô hình xe tăng nổi tiếng ở TP Buôn Ma Thuột, rồi qua mua cafe về làm quà.
Ngày 4 (17/10) Buôn Ma Thuột
Sáng ra trời mưa tầm tã, thôi hỏng rồi, mưa thế này làm sao mà đi chơi được đây, ngán ngẩm quá. Ngồi ăn sáng mà ruột như lửa đốt, cũng may mưa có vẻ ngớt dần, quyết định gọi cậu lái xe hôm qua, cứ đi, ăn chơi kể gì mưa rơi, hehe. Hôm nay sẽ đi cả ngày luôn, ăn trưa trên đường, chiều tối mới về. Bây giờ thì biết rồi nhé, thế nào là mùa mưa Tây Nguyên.
Cậu lái xe hôm qua “bán” 3 cụ khốt cho cậu bạn, nhưng cũng ko sao, xe 4 chỗ nhưng còn mới, xịn, cậu bạn này cũng vui chuyện, nhiệt tình. Khu du lịch Hồ Lak cách hơn 50km, trên đường đi trời cũng lúc mưa lúc nắng rất đe dọa, kệ, các cụ đã chuẩn bị ô dù cả áo mưa nữa, chấp hết. Trước tiên lên thăm biệt điện Bảo Đại nằm trên đỉnh đồi ven hồ, về kiến trúc ko có gì đặc biệt, chỉ là ngôi biệt thự kiểu Pháp bình thường, nhưng từ trên đó nhìn xuống hồ và vùng xung quanh thì rất đẹp. Trước đây khi đi với anh Đ mình nhớ có cây hoa sữa cổ thụ nay chỉ còn gốc bị mục ruỗng rồi, tiếc thật. Ngồi nghỉ gọi cafe nhưng cô bé phục vụ bảo hết rồi ạ, thế có chán ko, quán cafe, đất cafe mà bảo hết. Lại là phục vụ kiểu doanh nghiệp nhà nước, biệt thự này được quản lý bởi sở du lịch mà, ko chấp nhận được.
Hồ Lak là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất vùng Tây Nguyên và lớn thứ 2 ở VN chỉ sau hồ Ba Bể. Khi xuống đến hồ, vào khu du lịch chính nhưng vắng như chùa Bà Đanh, chả có ma nào, xung quanh cỏ mọc như vườn hoang. Nước hồ dâng cao làm ngập hết cả lối đi ven hồ, những bãi cỏ xanh mướt, những khu vườn đầy hoa ven hồ như mình biết trước đây đâu còn nữa. Gió thổi mạnh, mưa cũng mạnh lên, mặt hồ nước đục ngàu, mọi thứ tơi tả, chả còn nhìn ra Hồ Lak thơ mộng, trong xanh ngày trước, buồn quá.
Xe chạy sâu vào bên trong, men theo bờ hồ đi khoảng vài cây số nữa thì đến chỗ du lịch cưỡi voi và đi thuyền độc mộc. Nghe nói voi ở đây nhiều hơn voi ở Buôn Đôn, vào ngày lễ hội còn tổ chức đua voi rất hoành tráng nữa. Nhưng trước mắt chỉ thấy vài con voi đang ăn lá, bên bờ hồ những chiếc thuyền độc mộc nằm cô quạnh trong mưa gió. Trú mưa trong 1 quán bên hồ, với những buồng chuối treo thành dẫy dài. Ngồi chơi 1 lúc tiện thể ăn kem, ngắm hồ trong mưa, ngắm voi. Trưa đói rồi, đi ăn thôi. Cậu lái xe đưa đến 1 quán ăn, ở đây có món chả cá thát lát ngon lắm, là đặc sản của xứ này. Thực ra cũng ngon thật, nhưng trong bữa cơm có cả món cà ướp mắm, ăn rồi tối về mới trả giá, haha.
Mục tiêu tiếp theo là cụm thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long. Lúc đi vào Dray Sap bị lạc đường, đi theo đường mòn lên đỉnh thác, thảm nào đi mãi ko tới nơi, sau phải leo xuống. Đường dốc ngược, lổn nhổn toàn đá, lại trơn ướt do mưa nữa chứ nên quá vất vả, mãi mới xuống được đến chân thác. Bù lại mùa này cũng nhiều nước nên thác chảy thành 2 dòng đổ xuống hồ rất rộng. Thực ra thác Dray Nur đẹp hơn, ấn tượng hơn Dray Sap, tuy nhiên khi đến lối rẽ sang thác Dray Nur thì bị tắc. Ngày trước từ Dray Sap đi sang Dray Nur qua 1 chiếc cầu treo, tuy nhiên giờ đây cầu treo đó đã gãy, để hoang tàn ko được khôi phục, muốn đi sang thác Dray Nur phải đi đường vòng mất khoảng 30km nữa. Nhớ câu hát buồn: làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gãy, thôi dành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về…. Cầu đã gãy rồi, thôi đành ru lòng mình vậy vờ như đã được đến thác Dray Nur…
Bó tay, thất vọng quá đành quay ra, cố gắng chạy xe thêm 5km nữa để đến thác Gia Long. Nhưng lại 1 lần nữa thất vọng tràn trề vì khi đến nơi, cỏ mọc lút đầu, ko thể nhìn thấy thác Gia Long đâu nữa. Tìm mãi cũng ko có lối xuống, ngó nghiêng nhìn qua lùm cây thấy thác Gia Long chỉ là dòng chảy nhỏ giữa các phiến đá, cậu lái xe buông 1 câu: nhìn chả khác gì vòi nước chảy ra từ cái máy bơm, thật cay đắng cho 1 dòng thác có tiếng trước đây. Chính quyền chỉ biết thu tiền của du khách mà ko có đầu tư gì để tôn tạo, duy trì những bảo vật của thiên nhiên, cộng thêm thủy điện vô tội vạ làm chết yểu những dòng thác tuyệt vời này. Buồn quá Tây Nguyên ơi.
Chiều về ghé thăm gia đình bạn Duyên ở TP Buôn Ma Thuột.
Ngày 5 (18/10) Buôn Ma Thuột-Đà Lạt (220km)
Hành trình đi Đà Lạt xa nên đặt chuyến xe sớm (xe Hoàng Anh), xe đón tại KS. Chuyến xe này cũng ấn tượng, xe 15 chỗ, may nhờ chị em mình lên trước nên ngồi trên, ngay sau tài xế. 2 cậu thanh niên thay nhau lái, chạy xe như giặc lái. Đường đèo dốc, xe cứ chạy vèo vèo, ngồi trên xe run quá, sau 5 tiếng đến Đà Lạt mới thở phào là mình an toàn rồi, khiếp quá. Được mỗi cái đón tận nơi, trả tận chốn.
Đến KS Công đoàn Đà Lạt, ngay bên cạnh hồ Xuân Hương, đây cũng là KS mình đã từng ở rồi. KS có vị trí và khuôn viên đẹp như resort, phòng nghỉ sạch sẽ, tiện nghi. Nghỉ ngơi ăn trưa rồi tếch đi chơi ngay.
Đi cáp treo thăm Thiền Viện trúc lâm Đà Lạt, cảnh rừng thông bên dưới đẹp tuyệt, hoa dại nở khắp nơi, đặc biệt hoa dã quỳ đã nở rất nhiều rồi, vàng rực cả triền đồi. Vào chùa thắp hương lễ Phật rồi ra thăm vườn hoa, đủ các loại hoa rực rỡ. Hôm nay không phải ngày lễ hay cuối tuần nên vắng khách, thong dong thảnh thơi ngắm cảnh.
Rồi đến vườn hoa thành phố, tuy đang là cuối thu đầu đông ko phải mùa xuân nhưng vườn hoa vẫn rất đẹp với đủ loại hoa nở rực rỡ. Ngắm hoa trong tiết trời khá lạnh.
Rồi chợ Đà Lạt, ngay cổng chợ là cửa hàng L’ANGFARM quen thuộc, lên tầng 2 ăn buffet đồ ngọt (50k/suất). Nào kem các loại, nào quả sấy khô các loại, khoai lang, ngô hấp, bánh tráng ruốc tôm…đồ uống có cafe, nước quả các loại, ăn mệt nghỉ. Ngồi ăn uống nhìn xuống đường, trời bắt đầu xẩm tối, các hàng hoa, quả được dọn đi, các quầy quần áo khăn mũ đồ len được bầy ra ngập phố. Xuống tầng 1 mua quà, tối về trời mưa lâm thâm, lạnh, hồ Xuân Hương vẫn rực rỡ đèn trong màn mưa. Đến Đà lạt lần này chỉ là nghỉ chân sau chặng đường dài từ Buôn Ma Thuột đi Bảo Lộc.
Ngày 6 (19/10) Đà Lạt-Bảo Lộc (110km)
Đặt xe giường nằm (xe Thành Bưởi) đi Bảo Lộc. Hãng xe này rất tiện, có xe nhỏ trung chuyển đón trả khách tận KS. Đến Bảo lộc check in KS Seri ngay bên cạnh hồ rất đẹp (theo tư vấn của Doanh), vào KS ăn sáng muộn. Nghỉ ngơi chút rồi gọi taxi đi chơi luôn, phải tranh thủ thời gian, chỉ có ngày hôm nay ở Bảo Lộc thôi. Taxi đi cả ngày (6 tiếng – trong vòng 80km) chỉ có 520k.
Thực ra Bảo lộc là thành phố nhỏ thuộc tỉnh Lâm Đồng, cũng ko có gì đặc biệt ngoài những đồi chè và khí hậu cao nguyên trong lành, mát mẻ. Tuy nhiên mục tiêu mình nhắm tới là 2 địa điểm là thác Damb’ri và chùa Linh Quy Pháp Ấn.
Trên đường đến thác Dambri xe rẽ qua Tu viện Bát Nhã, tu viện nằm giữa rừng thông rất thanh tịnh, yên tĩnh, chỉ nghe tiếng chim, tiếng lá xào xạc dưới chân. Bát Nhã theo phiên âm tiếng Ấn Độ cổ có nghĩa là Trí Tuệ, Tu viện Bát Nhã nổi tiếng vì các tăng ni ở đây tu tập theo môn phái Tịnh độ của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nghe nói đi sâu vào trong khuôn viên rộng mênh mông này có rất nhiều cảnh đẹp, tuy nhiên ko có thời gian nên 3 chị em chỉ thăm khu chánh điện và vườn cảnh xung quanh.
Thực ra mình đã đến thác Damb’ri cách đây khoảng 25 năm trước. Damb’ri là thác đẹp nhất, cao nhất vùng Tây Nguyên, thác cao 60m, nước trên thác đổ xuống ầm ầm. Nhớ lại năm xưa mình đã từng đứng dưới chân thác, trên cây cầu nhỏ nhìn lên những bụi nước bắn ra thành cả 1 màn sương mờ, gặp ánh nắng mặt trời chiếu vào thành cầu vồng 7 sắc đẹp tuyệt trần, quá ấn tượng. Hôm nay đến đây cảnh vật khác xa ngày ấy, cả khu vực ngày xưa là rừng, cây cối um tùm, thì nay là 1 khu vui chơi giải trí hiện đại. Ngày xưa thác là quà tặng vô giá của thiên nhiên ban cho con người thì nay qua cổng phải mua vé rất đắt (150k). Họ biến cảnh quan thiên nhiên chung cho mọi người thành tài sản riêng sau khi đầu tư 1 chút vào các công trình tiện ích và các công trình này phần nào cũng phá hoại cảnh quan thiên nhiên xung quanh luôn.
Thác Damb’ri vẫn hùng vĩ như vậy, nhưng hôm nay bọn mình đến vào ngày trời vừa mưa xong, nhiều mây âm u, nước từ thác đổ xuống quá nhiều nên nếu đi theo đường đi bộ xuống chân thác thì sẽ bị ướt nhoẹt và rất nguy hiểm vì bậc đá trơn, bụi nước mờ mịt và gió thổi rất mạnh. Bọn mình xuống chân thác bằng thang máy, mới ló ra khỏi thang máy nước tạt mạnh ướt luôn, chỉ dám đứng ngắm và chụp ảnh vài phút rồi chui ngay vào trong 1 căn nhà tròn, là quán cafe và bán đồ lưu niệm ngay lưng chừng thác. Ngồi trong quán có thể ngắm thác mà ko bị ướt. Dưới chân thác vắng tanh, chẳng có ma nào, chỉ thấy bụi nước bay mờ mịt, màn mưa phủ lên tất cả, tiếc hôm nay ko có nắng để được nhìn cầu vồng.
Mấy cụ khốt còn dám leo lên xe trượt lòng máng để đi đến thác Dasara. Ngồi xe trượt mà run như cầy sấy, nhất là lúc trượt qua những đoạn cong tròn xuống dốc, mắt nhắm tít, hét tướng lên, haha. Thác Dasara lần đầu tiên thấy, ko hùng vĩ bão táp như Damb’ri nhưng cũng rất đẹp, dòng nước đổ xuống 3 cấp, hiền hòa hơn, thơ mộng hơn.
Tiếp thep là chùa Linh Quy Pháp Ấn. Đã xem những tấm ảnh chụp trên mạng nên rất ngưỡng mộ chùa này, quyết tâm đi bằng được, đây là nơi mình đã ước ao. Hóa ra chùa ở trên núi cao, muốn lên đường đi rất khó khăn, đặc biệt với các cụ khốt bà như bọn này. Hây, có ngay dịch vụ xe ôm. Thế là hấp ! Mỗi cụ khốt ôm 1 cháu thanh niên leo lên thôi. Đúng là khủng khiếp vì đường đi, thực ra là không có đường mà chỉ là bờ ruộng, bờ rẫy thôi. Đường hẹp đến 2 xe máy tránh nhau cũng khó, gồ sống trâu, dốc ngược, chỉ cần run tay lái trượt 1 cái là đi tong, ngồi sau mà mình sợ nhắm tít mắt lại, vậy mà cậu thanh niên đi như làm xiếc. Đường ko xa chỉ leo núi khoảng hơn 1km thôi nhưng quá khủng khiếp, xứng đáng giá 40k khứ hồi. Lên đến chùa chính, phải đi bộ leo dốc tiếp 1 đoạn khoảng gần 1 km nữa mới đến nơi gọi là Cổng Trời, hay còn gọi là Quán Chiếu đường. Đúng là ko bõ công sức đã leo lên đây. Cổng trời là cả 1 sân trước rộng mênh mông của 1 ngôi chùa nhỏ trên đỉnh núi, sân này có 3 cổng dáng rất đẹp theo phong cách Nhật hướng ra 3 phía, tuy là cổng nhưng lại ko dẫn tới đâu cả mà phía sau cổng là cả khoảng không gian mênh mông của trời mây. Đã hiểu tại sao gọi là Cổng Trời. Ngay bên cạnh sân Cổng Trời là 1 vườn đá kiểu Nhật rất độc đáo, chắc chắn người thiết kế công trình này rất yêu chuộng kiến trúc Nhật cổ. Đứng trên Cổng trời có thể thấy toàn cảnh phía dưới là TP Bảo Lộc và vùng xung quanh. Bọn mình lên đây khi trời nhiều mây, lại có vài giọt mưa lắc rắc nên ngắm cảnh cũng đẹp nhưng chưa phải là thời điểm tuyệt vời nhất. Thấy bảo đẹp nhất là lúc sáng sớm đón bình minh, hay lúc hoàng hôn, phía dưới là cả 1 biển mây, hay đêm trăng trời đầy sao, đẹp đến mê hồn, con người như lạc vào tiên cảnh. Lên Quán Chiếu đường lễ Phật, Quán Chiếu đường là 1 ngôi chùa nhỏ làm bằng gỗ, kiến trúc khá đẹp, bên cạnh là tháp chuông ẩn mình trong vườn cây. Lễ Phật xong ra ngồi ngoài thềm ngắm cảnh, quá tuyệt vời với trời mây non nước phía dưới. Khâm phục người đã nghĩ ra và thực hiện ý tưởng xây dựng 1 công trình tuyệt vời như vậy trên đỉnh núi để tịnh tâm, để thiền, để lạc vào cõi mộng. Trên đường đi lên, thấy 1 tấm biển bên đường đề bài thơ của vua Trần Nhân Tông :
Chim hót líu lo, liễu trổ dày/ Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay./ Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,/ Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
Bài thơ thật hợp nơi, hợp cảnh, hợp người.
Còn muốn ở Cổng trời lâu nữa nhưng hình như hạt mưa có mau hơn nên mọi người giục xuống núi, nếu ko đường đi sẽ trơn, nguy hiểm. Thôi đành lòng vậy, tiếc nuối rời khỏi Cổng Trời. Xuống đến chùa chính, rẽ vào thắp hương lễ Phật, thật ngạc nhiên vì ngôi chùa chính ẩn mình trong khu vườn là ngôi chùa nhỏ bé, đơn sơ, nhưng bên trong là tượng Phật rất đẹp, rất to, có 2 sư tăng trẻ đang tụng kinh. May quá được sư thầy Thạch Văn mời vào uống nước, còn tặng cả sách, còn đọc thơ của thầy làm dịp trung thu vừa rồi cho nghe nữa:
Trung thu năm nay trời đẹp ghê/ Khách đến tham quan chẳng muốn về/ Nợ trần còn nặng đầy một ghánh/ Đành phải chia tay chốn sơn khê.
Thầy còn cho xem những bức ảnh Cổng trời thầy chụp được bằng điện thoại trong những khoảng khắc đẹp nhất, thật tuyệt vời. Rời chùa Linh Quy Pháp Ấn, lòng tràn đầy sự bình yên, thanh tịnh như câu châm ngôn ở nơi này (Linh Quy Pháp Ngữ) :
Thở vào là mượn, thở ra là trả./ Mạng sống này chỉ là sự vay mượn./ Buông xuống mọi buồn lo,/ Nhẹ nhàng, tự tại, thảnh thơi !
Giá mà được đến nơi này lần nữa để được nhìn tận mắt biển mây dưới chân cùng những tia nắng mặt trời đầu tiên bừng lên rực rỡ. Giá mà…
Buổi tối ăn xong các cụ khốt đi dạo quanh hồ trước KS, trời se se lạnh, mặt hồ lung linh trong đêm.
Ngày 7 (20/10) Bảo Lộc-Hà Nội
Sáng sớm lại đặt xe Thành Bưởi để ra thẳng sân bay Liên Khương, ở Bảo Lộc chỉ có xe hãng này đi tiện nhất. Tuy đến sân bay có sớm hơn chút nhưng yên tâm vì có xe trung chuyển đến tận nơi.
Chuyến đi tuy rất mệt, thời gian hơi hạn hẹp, nhưng cũng rất thú vị, 3 chị em cùng nhau trải nghiệm và cảm nhận nhiều điều vui có buồn có, ngắm nhìn những cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Tây Nguyên và quan trọng nhất là cảm nhận được tình cảm chị em thân thiết yêu thương.