Một góc bán đảo Sơn Trà và Vườn quốc gia Bạch Mã – 6/ 2016

Bài viết này được trích ra từ nhật ký du lịch Đà Nẵng 6/ 2016.

Nói là 1 góc vì chuyến đi chỉ thăm được phần nhỏ Sơn Trà và Bạch Mã trong khi những nơi này có rất nhiều điểm đến thú vị mà các cụ khốt chưa khám phá được.

* 28/5 

Các cụ khốt (gồm 5 cụ, tuổi ít nhất cũng 60 rồi) thuê xe ô tô đi chơi bán đảo Sơn trà, chuyến đi khá thú vị. Ở Đà Nẵng cũng nhiều rồi mà bây giờ mới có cơ hội đi sâu vào bán đảo Sơn Trà, trước kia chỉ cùng bố Đ đi thăm chùa Linh ứng vào dịp ngày rằm hay mồng 1 hàng tháng. Từ trên núi nhìn xuống cảnh biển rất đẹp, mặt biển vẫn mê hồn với ánh nắng vàng lóng lánh. Phóng tầm mắt thấy cả thành phố ĐN nằm trên bờ biển cong cong. Hai bên đường trắng tinh khôi là 1 loại hoa dại màu trắng, cánh hoa mỏng manh rung rinh trong gió biển. 

Sơn Trà nhìn từ bãi biển Đà Nẵng
Sơn Trà nhìn từ bãi biển Đà Nẵng


Đến thăm cây đa di sản của ĐN nằm sâu trong bán đảo Sơn Trà, cách chùa Linh ứng khoảng 10 km. Cây đa này nằm ngay bên đường, nhìn xuống biển xanh ngắt. Cây đa đã 800 năm tuổi, thân đa to lớn, các rễ của nó cắm xuống đất xung quang cũng rất to cả người ôm luôn.
 Cây đa hình dáng rất đẹp, hoành tráng, rễ cây và tán cây bao phủ cả một phạm vi rất rộng. Tranh thủ bứt được mấy cành hoa dại trắng hôm trước đi qua đèo Hải vân nhìn thấy đẹp quá mà không có cơ hội ngắt. Mấy cụ khốt đều thích hoa này, quyết tâm mang cành về trồng, hỏi dân địa phương thì ra đó là hoa bìm bìm trắng.

Sơn Trà xanh biển, xanh rừng
Sơn Trà xanh biển, xanh rừng
cây đa di sản
cây đa di sản 800 năm tuổi
các cụ khốt thế hệ di sản dưới gốc đa.
các cụ khốt, cũng 1 kiểu di sản dưới gốc đa.
hoa bìm bìm trắng
hoa bìm bìm trắng, đẹp mong manh


Định đi 1 vòng khép kín bán đảo, tuy nhiên cậu lái xe không thạo đường lắm. Khi xe đang leo lên núi, đường hẹp lại khá dốc, gặp ngay 1 xe khách to đùng đi ngược chiều do lái xe lạc đường, xe khách lại đang bị hỏng phanh. Sợ chết khiếp, cả hội nhất trí quay về theo đường cũ. Mọi người quyết định vào thăm bảo tàng Đồng Đình gần chùa Linh ứng. Hôm trước xem trên TV có chương trình giới thiệu về bảo tàng này rất hay, nên hôm nay đi xem luôn.

lối vào bảo tàng
lối vào bảo tàng


Bảo tàng này nguyên là của tư nhân, của 1 người yêu nghệ thuật và thiên nhiên (quên mất tên rồi). Đây là loại  bảo tàng tổng hợp về quá khứ, văn hóa làng quê đồng bằng bắc bộ, quá khứ cuộc sống các làng chài nơi đây và cả văn hóa Tây Nguyên nữa. Bảo tàng xây dựng trên triền núi dốc, giữa những tảng đá to lổn nhổn, nhưng kiến trúc rất đẹp, độc đáo, mà vẫn dung dị, như cảnh làng quê. Bảo tàng được bố trí rất lạ, gần như một nơi ở ẩn của người rất yêu cái đẹp, muốn tránh xa thế giới hiện đại ầm ĩ, xô bồ ngoài kia. Xung quanh những ngôi nhà xinh xinh bằng gỗ và tre nứa là khu vườn đầy hoa, cây cảnh, những cây mít sai trĩu trịt, khóm tre, nước suối chảy. Những tiểu cảnh, sân vườn xinh xắn. Vào bảo tàng chẳng có 1 bóng người nào, không có bảo vệ cũng không có người hướng dẫn, khách vào tự tham quan, tự thưởng thức. Mọi người rửa mặt tay chân dưới 1 vòi nước suối mát lạnh chảy liên tục. A, phát hiện trong căn bếp nhỏ có đầy đủ củi, xoong nồi, bộ bàn ghế ăn bằng tre  gỗ, cả ấm trà xanh ai đó vừa ủ vẫn còn nóng, khách lại tự động ngồi uống trà, ngắm cảnh. Lang thang thăm bảo tàng như được trở lại cuộc sống đơn sơ, bình dị giữa thiên nhiên cây lá ngày xưa với tâm hồn tĩnh lặng.
Theo mình nhớ lại, ông chủ bảo tàng có nói trong chương trình văn hóa – sự kiện – nhân vật trên TV rằng lập bảo tàng này để lưu giữ quá khứ của những làng chài nơi đây đang mất dần trong cuộc sống hiện đại. Tên bảo tàng Đồng Đình được đặt theo tên 1 loại cây rất phổ biến ở địa phương này trước đây. 

một góc bảo tàng
một góc bảo tàng
nhà tranh trên đá
nhà tranh trên con suối nhỏ với những tảng đá lớn.

Lúc chiều muộn bà đẩy xe cho cháu đi dạo biển, cháu chạy tung tăng trên bãi cỏ. Sóc thích mấy chú chim sẻ dạn dĩ, xà xuống  nhảy tắc tắc xung quanh rồi đột ngột bay vụt lên hàng cây dừa.

*1/6

3 cụ khốt thuê xe đi vườn quốc gia Bạch Mã, tranh thủ thời gian ở ĐN phải đi chơi hết các nơi cho đã. Nghe nói đến vườn quốc gia này lâu rồi, cũng mơ ước ngày nào đó đặt chân đến đây, nay có cơ hội phải đi thôi.

Dãy núi Bạch Mã nằm giữa Huế & ĐN, nó cách Huế khoảng 40km. Lo không có nhiều nhà hàng ăn ở đây nên các cụ khốt chuẩn bị đầy đủ đồ ăn mang theo, nào ngô luộc, sắn luộc, nào bánh mì, sôi, giò chả… Chuẩn bị sẵn hành trình từ kinh nghiệm trên mạng của bọn trẻ đã đi trước, hy vọng sẽ thực hiện được hết những điểm dự kiến. Qua cổng vườn quốc gia, ô tô chạy thẳng lên đỉnh Bạch Mã khoảng 10km từ chân núi, cảnh tuyệt vời không tả hết được. Không khí trong lành, thanh khiết, rừng cây nguyên sinh xanh tốt rậm rạp còn nguyên vẹn chưa bị xâm phạm. Dừng lại giữa đường để chụp ảnh, từ trên nhìn thấy có 1 cái hồ rất to, đẹp phía dưới nhưng không biết đó là hồ gì, chả có ai để hỏi, đường tốt, vắng tanh, rất ít khách du lịch. Các cụ khốt ngắm cảnh đẹp quá bảo nhau ai không đi thì tiếc. Trên đường lên đỉnh núi thỉnh thoảng gặp vài biệt thự cổ từ thời Pháp được khôi phục lại làm quán ăn, khu nghỉ dưỡng nhưng vắng tanh. Đến đỉnh rồi, từ chỗ đỗ ô tô mà còn phải đi bộ hơn 1 km nữa mới đến Hải vọng đài, nghe nói là lầu ngắm cảnh của Ngô Đình Nhu ngày trước. Các cụ khốt lôi tinh dầu xả ra bôi lên chân tay, quần áo để đuổi muỗi, chuyến này muỗi rừng vòi nhọn cũng khóc.

cảnh nhìn xuống từ Bạch Mã
cảnh nhìn xuống trên đường lên Bạch Mã
dừng chân hít thở khí trời trong lành, tinh khiết
dừng chân hít thở khí trời trong lành, tinh khiết

Hải vọng đài là ngôi đài quan sát rất lớn hình đa giác, 2 tầng, nằm trên đỉnh núi cao, ở lối vào trước khi lên ngôi đài, có 1 cái chuông lớn, 3 cụ khốt còn kịp đánh chuông kêu róng rả, chụp ảnh tơi bời mới leo lên đài.

Đứng trên này nhìn xuống toàn cảnh đẹp mê hồn, rừng cây trùng điệp, núi non hùng vỹ, nhìn ra tận biển, nhìn sang những dãy núi bên cạnh mây trắng giăng ngang đẹp vô cùng. Gió thổi lồng lộng, không khí trong vắt cứ muốn hít thở cho thỏa thích, trong khoảnh khắc quên hết sự đời, quên hết muộn phiền, chỉ còn lại thiên nhiên tinh khiết. Trong Hải vọng đài có rất nhiều ảnh và tài liệu giới thiệu về lịch sử người Pháp phát hiện ra nơi này, quá trình xây dựng khai thác làm nơi nghỉ dưỡng của người Pháp và cả thời Mỹ ngụy nữa, đọc cũng rất thú vị. Buổi tối ở đây chắc lạnh lắm, sương và mây giăng kín chả nhìn thấy gì cũng như trên đỉnh Bà Nà. Ngắm cảnh, chụp ảnh thỏa thích rồi lôi ngô luộc ra chén lấy sức đi tiếp.

cảnh đẹp mê hồn
cảnh đẹp mê hồn
Hải vọng đài
Hải vọng đài
Hồ Truồi nhìn từ đỉnh Bạch Mã
Hồ Truồi nhìn từ đỉnh Bạch Mã

Xe chạy xuống khoảng giữa đường thì dừng lại ở biệt thự Đỗ Quyên, từ đây có đường xuống ngũ hồ, nghe nói là gồm 5 hồ liền nhau, có cả thác Đỗ Quyên nữa đẹp lắm, vào mùa xuân hoa đỗ quyên nở rực rỡ xung quanh thác nên gọi là thác đỗ quyên. 3 cụ khốt hăng hái đi theo chỉ dẫn, nhưng không ngờ rằng đó là lần đi gian nan như vậy. Ý định chỉ đi đến ngũ hồ thôi, không đi thác. Đường đi nhỏ hẹp là lối mòn đi trong rừng, dốc treo leo, trơn, ghập ghềnh, cố tìm cành cây làm gậy chống mới có thể đi được. Các cụ thở ra đằng tai hết, đi mãi chả thấy hồ đâu chỉ có đường mòn ghập ghềnh cứ hun hút, dốc lên lại xuống, bở hơi tai. Lúc sắp nản quá bảo nhau thôi trở ra đi, thì nghe thấy tiếng nước chảy ào ào như thác, lại nghe tiếng người nói lao xao, bảo nhau thôi cố lên, sắp đến rồi. Đường dốc xuống liên tục, đi mãi rồi cũng xuống đến nơi. Có 2 thanh niên ngồi bên 1 các thác bé tý, hỏi ngũ hồ đây à cháu, chúng bảo đúng rồi ngũ hồ đấy bác ạ, đây là hồ thứ nhất, chúng cháu sẽ đi tiếp đến hồ thứ 2 thứ 3 nữa. Nghe muốn ngất quá vì thất vọng. Thác nho nhỏ cao khoảng 2-3m chảy xuống 1 vũng nước nhỏ nước trong vắt, rồi nước tiếp tục chảy sang vũng khác rồi chảy đi. Trời đất ơi bao công sức trèo đèo leo núi, mồ hôi ướt đẫm, thở phì phò đi đến khoảng gần 1 tiếng mới đến được nơi thất vọng như vậy. Bác Dụ lại bị đứt quai dép nữa chứ, nghe chúng nó tả trên mạng thì đổ thóc giống ra mà ăn, hic hic.

gian nan đường xuống ngũ hồ
gian nan đường xuống ngũ hồ
thác nhỏ chảy vào hồ thứ nhất
thác nhỏ chảy vào hồ thứ nhất
tuột dép, hic hic
tuột dép, hic hic
biệt thự Đỗ Quyên
biệt thự Đỗ Quyên

Lấy hết can đảm sức lực gần 1 tiếng sau các cụ khốt trèo lên, về được nơi đỗ ô tô tại biệt thự Đỗ Quyên, thề không bao giờ đi ngũ hồ hay thác đỗ quyên nữa. Nếu đến Bạch Mã chỉ lên Hải vọng đài thôi là đủ rồi. Ngồi nhờ bàn ghế của nhà hàng Đỗ Quyên kê dưới gốc cây mát mẻ, các cụ ăn trưa với xôi, sắn, bánh mỳ giò chả, ngắm biệt thự Đỗ quyên rất đẹp là nhà nghỉ của các quan Pháp xây dựng, nay được tu sửa lại, nghe nói chỉ lợp lại mái thôi. Biệt thự kiến trúc tuyệt vời nằm ẩn mình trong rừng cây. Có thời gian và muốn nghỉ dưỡng thực sự lên đây rất thích hợp, không khí trong lành, mát mẻ, yên tĩnh, tràn ngập màu xanh và tiếng gió, tiếng chim.

bữa trưa fasfood ngoài trời dưới tán cây, đầy gió mát và tiếng chim.
bữa trưa fasfood ngoài trời dưới tán cây, đầy gió mát và tiếng chim.

Nghỉ ngơi 1 lúc lấy lại sức các cụ khốt bảo nhau thôi mệt nhưng cũng thú vị vì sau này có muốn cũng chả leo núi đi rừng được, bây giờ còn đủ sức đi cho biết, sau lúc yếu nằm 1 chỗ nhớ lại cũng sướng. Chưa đi chưa biết ngũ hồ, đi rồi mới thấy mệt như phát rồ, hihi. Rồi, lên đường đi tiếp thôi, xuống núi rồi đi thiền viện Bạch Mã cách đó khoảng 10-12 cây số.

Không ngờ thiền viện Bạch Mã lại có 1 địa thế đẹp như vậy, từ lúc trên đỉnh núi Bạch Mã nhìn xuống thấy cái hồ rất to thì ra đó là hồ Truồi. Thiền viện nằm ngay tại hồ này. Nhìn từ bờ hồ bên này thiền viện ẩn hiện trên núi trông đẹp như tranh thủy mạc của Trung Quốc, thiền viện nằm trên núi giữa rừng cây xanh bạt ngàn nhìn xuống hồ Truồi rộng xanh biếc. Sang thiền viện phải đi thuyền qua hồ, đến bến thuyền còn phải đợi đủ 12 người thuyền mới đi. Bến thuyền vắng tanh, chỉ có 2 đôi nam nữ cũng đang đợi người, nhà mình có 3 cụ khốt nữa mới là 7, kiểu này đợi không biết đến bao giờ, liền gọi 2 đôi kia đến mua vé, còn lại bao nhiêu vé các cụ cân hết, đi cho sớm chợ, với các cụ thời gian lúc này quý hơn tiền, hihi.

thiền viện trúc lâm Bạch Mã nằm trên núi, giữa hồ Truồi
thiền viện trúc lâm Bạch Mã nằm trên núi, giữa hồ Truồi
tượng phật tổ nổi bật trên núi giữa hồ
tượng phật tổ nổi bật trên núi giữa hồ

Thuyền lướt đi trên hồ, nắng lung linh, thiền viện ngày càng gần rõ hơn. Trên 1 đỉnh núi nhô hẳn ra hồ bên phải thiền viện, là bức tượng phật A di đà rất to ngồi trên tòa sen. Ánh nắng chiều lúc rực rỡ lúc dịu nhẹ do bóng mây lướt qua nên nhìn thiền viện từ mặt hồ thấy huyền ảo hơn. Thuyền cập bến, ngước nhìn lên thiền viện thấy chóng cả mặt vì cao quá, phải trèo khoảng mấy trăm bậc thang đây, nếu nhớ không nhầm khoảng 200 bậc thì phải. Nắng chiều ran rát, vừa trèo vừa thở ra tai, mồ hôi ướt đẫm áo, trèo được hơn chục bậc lại phải nghỉ, nhìn thấy cổng thiền viện rồi. Đang ngồi nghỉ thì chợt nghe tiếng gì sột soạt to lắm, mấy cái cây bên cạnh rung bần bật, nhìn lên ngọn cây thấy ngay 1 con vọc to lừng lững, lông nhiều màu sắc, mặt trắng, lông cổ lông bụng có khoang màu xanh xám, màu đỏ đồng, đẹp quá, mọi người kêu lên rối rít, nhưng nó nhanh lắm lao từ ngọn cây này sang ngọn cây khác vụt biến mất luôn. Không ai kịp rút máy ảnh hay điện thoại ra để chụp được, tiếc hùi hụi. Nhớ lúc đi trên ô tô, cậu lái xe người Đà Nẵng có kể rằng khu rừng quốc gia Bạch Mã nổi tiếng có loài vọc ngũ sắc, ai gặp được nó là sẽ gặp may lắm. Vậy hôm nay các cụ khốt gặp may rồi, nhìn tận mắt vọc ngũ sắc nhé.

cổng thiền viện đây rồi, vã mồ hôi sau khi leo khoảng 200 bậc thang lên núi
cổng thiền viện đây rồi, vã mồ hôi sau khi leo khoảng 200 bậc thang lên núi
hồ Truồi nìn từ cổng thiền viện
hồ Truồi nìn từ cổng thiền viện

Thiền viên rất đẹp, nằm trên sườn núi, giữa rừng cây xanh mướt bao quanh, nhìn xuống hồ Truồi mặt nước mênh mông xanh biếc, long lanh trong nắng chiều rực rỡ, cảnh đẹp như trong mộng. Vào thiền viện thắp hương lễ phật, dạo bước xung quanh thăm cảnh vườn hoa tiểu cảnh rất đẹp. Không gian tràn ngập hương hoa hoàng lan thơm ngát, hoa nở khắp nơi. Dường như nơi đây chính là tiên cảnh giữa trần gian. Trên tường sau thiền viện có bức tranh vẽ trên tường rất lạ, một chữ NGỘ theo kiểu thư pháp với khuôn mặt của 1 vị la hán nào đó, không gặp được vị sư nào nên không hỏi được ý nghĩa của bức vẽ. Chữ NGỘ dường như bao trùm hết thảy, trải qua thăng trầm cuộc đời con người ta sẽ ngộ ra nhiều điều, nhưng có những điều phải đến khi mất mát, đau đớn đến tột cùng mới ngộ ra, cũng có những điều đi đến hết cuộc đời cũng vẫn chưa ngộ được. Trong đạo phật chữ NGỘ rất hay, rất nhiều ý nghĩa.

một góc thiền viện
một góc thiền viện
hoa hoàng lan thơm ngát
hoa hoàng lan thơm ngát
bức tranh thư pháp với chữ NGỘ nhiều ý nghĩa
bức tranh thư pháp với chữ NGỘ nhiều ý nghĩa
tiên cảnh cũng giống như vậy chăng
tiên cảnh cũng giống như vậy chăng

Ngồi trong thiền viện tĩnh tâm, tĩnh trí, giữa không gian mát mẻ, thanh tịnh, lòng không muốn rời đi.

Leave a Reply