Du Lịch Hà Giang của K19 cầu đường, ĐHXD.
Chuyến đi này đã được lên kế hoạch từ trước, là nối tiếp chuyến du lịch Mù Cang Chải-Bắc Hà năm ngoái, chuyến đi tìm lại ký ức thời sinh viên gian khổ của lớp K19 cầu đường.
Như đã viết trong bài du lịch Mù Cang Chải đăng trong trang web http://dulichmevacon.com/chuyen-di-mu-cang-chai/, năm 1978 sinh viên khóa 19 cầu đường phải đi thực tế khảo sát thiết kế cho tuyến đường phòng thủ biên giới là QL 279, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh biên giới phía bắc. Năm ngoái đi thăm đoạn đường QL 279 ở Lào Cai rồi, năm nay thăm đoạn QL 279 ở Hà Giang. Nhóm Hà Giang này có nhiều kỷ niệm “ khủng” hơn nhóm kia.
Ngày thứ nhất 12/ 11/ 2016
Chuyến đi này cũng có đúng 20 người, trên xe thiếu mất mấy nhân vật tuổi “khiếu” nên không khí có vẻ trầm trầm hơn mọi khi. Tuy nhiên những kỷ niệm của nhóm Hà Giang vẫn được kể lại rất sôi động. Nhất là trận xung đột “động trời” với dân địa phương khiến nhiều sinh viên phải lao đao, thậm chí khiến 1 trong số sinh viên trong nhóm phải chấm dứt sự nghiệp học hành, cuộc đời anh ấy rẽ ngoặt sang hướng khác, nghĩ lại thật đau lòng. Chỉ là sự việc rất nhỏ, nếu là bây giờ thì kết quả không đến mức nặng như vậy, nhưng lúc đó là thời gian nhạy cảm, trước khi xảy ra chiến tranh biên giới nên bị xử lý quá nặng. Những ký ức không chỉ là gian khổ mà còn cay đắng nữa.
Xe chạy theo tuyến QL2, qua Phú Thọ, Tuyên Quang với dòng sông Lô nổi tiếng qua trường ca Sông Lô của Văn Cao. Buổi trưa xe đến thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang, nơi đây là đoạn QL 279 do nhóm sinh viên cầu đường K19 khảo sát thiết kế, hồi đó anh em sinh viên với sự giúp đỡ của bộ đội, khảo sát thiết kế đến đâu bộ đội thi công luôn đến đó. Bạn Khính vẫn còn nhớ bưu điện ở ngã ba đoạn đường này, bạn kể thỉnh thoảng chủ nhật vẫn cùng mấy bạn đi bộ khoảng chục cây số ra bưu điện để gửi thư về nhà và cũng là để ngắm (hay tán chuyện) với mấy cô em bưu điện xinh tươi. Rất tiếc đường đang sửa nên xe không thể vào được tận nơi đóng quân ngày xưa, đành ngậm ngùi quay ra. Cả đoàn đành bằng lòng với tấm ảnh chụp chung trước cửa bưu điện Bắc Quang.
Thời gian gần 40 năm đã xóa nhòa làm biến đổi cảnh vật và con người nhưng ký ức vẫn nguyên ven đâu đây trong mỗi cựu sinh viên chúng mình.
Cao nguyên đá Đồng Văn đây rồi. Trên quả đồi gần đường là tấm biển to đề rõ Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, xe dừng lại cho mọi người chụp ảnh. Rồi đến cổng trời Quảng Bạ, mây mù mờ mịt, ra khỏi xe gió lạnh buốt, đã lên đến cao nguyên có khác. Sương mù quá không thể trèo lên cổng trời được, đứng run rẩy ngắm cảnh 1 lúc rồi đi tiếp, hy vọng ngày về trời đẹp có thể leo lên cổng trời được chăng.
Càng về chiều, sương mù càng dày và lạnh, xe chạy qua cánh rừng thông mờ sương rất đẹp, dường như bên tai văng vẳng giai điệu Chiều biên giới của nhạc sỹ Trần Chung mà mình rất thích: Chiều biên giới em ơi có nơi nào xanh hơn, như chồi non cỏ biếc, như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta…
Đêm đầu tiên cả đoàn nghỉ tại nhà nghỉ Cổng Trời ở thị trấn Tam Sơn- Quảng Bạ. Tên là Cổng Trời nhưng nhà nghỉ này chỉ có 2 tầng, tuy nhiên đêm về sương mù cũng giăng đầy.
Ngày thứ hai 13/ 11/2016
Xe chạy tiếp đến thăm thung lũng Sủng Là, bối cảnh phim “Chuyện của Pao”. Cảnh hai bên đường quá đẹp, nhìn lên cao không biết là sương sớm hay mây trắng mềm mại quấn quanh những đỉnh núi, con đường chạy dọc theo những dòng suối trong xanh uốn lượn, soi bóng dãy núi mờ sương. Những ruộng bậc thang và rặng cây cũng mờ sương.
Xe tạm nghỉ tại một trạm dừng chân bên đường, phía trước nhìn xuống 1 thung lũng rất đẹp, ngoài sân có vài cây nở hoa màu trắng, giống hoa cây trà xanh, xuống xe thấy mùi hương gì thơm quá, hỏi ra mới biết đó là cây hoa sở, hoa trắng tuyệt đẹp, hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết, rất dễ chịu. Trước đây hát mãi bài “Chiều biên giới” của Trần Chung, có câu: chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay…mà đến bây giờ mới biết cây hoa sở. Đúng là có đi đến vùng biên giới phía bắc, tận mắt ngắm cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời, tận hưởng hương hoa sở thơm ngát mới ngấm hết vẻ đẹp lời ca bài hát này.
Nhà của Pao đây rồi, nhìn từ xa đã thấy nhiều xe đỗ ngoài đường vì đây là điểm tham quan du lịch quen thuộc kể từ khi có phim “Chuyện của Pao”. Xe vừa dừng lại thì có rất đông bọn trẻ xông tới mời mua những gùi hoa, những vòng hoa đội đầu rất đẹp. Bọn trẻ thật dễ thương, gùi hoa sau lưng, tay cầm những vòng hoa rực rỡ, nhìn như cả một vườn hoa di động, nào hoa tam giác mạch nhỏ xinh đỏ hồng, nào hoa cải vàng, nào hoa gì đó màu tím dễ thương không biết tên hay thấy mọc dại ven đường. Bạn Thịnh đã chuẩn bị sẵn kẹo như chuyến đi trước, mọi người xuống phát kẹo cho bọn trẻ, xúm xít, tíu tít thật vui. Hai bên đường vào nhà, dân địa phương bán hạt giống rau, rồi cả bánh tam giác mạch nướng nữa, những gùi hoa rực rỡ được xếp bên lối đi, ai mua thì bán, ai gùi lên lưng chụp ảnh thì trả tiền, cũng hay.
Nhà của Pao là loại nhà cổ của người dân tộc còn giữ lại được gần như nguyên vẹn, nằm trong thung lũng Sủng Là, hàng rào xung quanh bằng đá xếp cao. Trước nhà là cánh đồng ngô đã thu hoạch chỉ còn sót lại những đụn thân ngô khô chất cao hình tháp. Qua cổng vào trong sân có mấy cây đào rừng to, chắc mùa xuân những cây đào này nở hoa đẹp lắm, ngoài hành lang là chiếc cối xay lúa, có 1 người đàn bà dân tộc chắc là chủ nhà ngồi bên bậu cửa cùng 1 cậu bé đang thổi kèn, cảnh rất ấn tượng. Mọi người cho cậu bé tiền và cậu lại tấu lên vài khúc kèn.
Tiếp đến là thung lũng Sà Phìn, nơi có dinh vua Mèo – Vương Chính Đức. Nhìn từ trên cao khu dinh thự vua Mèo rất hoành tráng nằm giữa thung lũng, xung quanh là dãy núi đá rất đẹp, thung lũng có nhiều cây sa mu, thân cây mọc thẳng tắp. Dinh thự vua Mèo được quản lý một cách chính thống, vào cổng phải mua vé. Nhà cổ, từ ngoài đi vào gồm nhiều khu nhà-sân nối với nhau, nhà 2 tầng toàn bằng gỗ, họa tiết cửa, cột tương đối cầu kỳ. Trong nhà có treo ảnh cùng các ghi chú kể về lịch sử vua Mèo và gia đình.
Cột cờ Lũng Cú nổi tiếng đây, thế là mình cũng đã đến được điểm cực bắc của đất nước rồi. Cột cờ nằm trên đỉnh núi, muốn lên hoặc phải leo dốc có bậc thang, hoặc đi xe ôm lên, mình biết thân biết phận chọn ngay đi xe ôm, nhưng cũng chỉ được hơn nửa đường, còn lại vẫn phải trèo tiếp mới lên đến chân cột cờ. Gió mạnh thổi liên tục, trèo lên đến nơi vã mồ hôi nhưng đổi lại nhìn xuống cảnh đẹp tuyệt. Còn liều mạng tiếp tục chui vào thân cột cờ rồi leo đến đỉnh. Gió mạnh bạt cả người, ruộng bậc thang uốn lượn và những con đường ngoằn ngèo ở dưới vẫn mờ trong sương, chỉ có nắng rực lên phía núi xa xa. Lá cờ to bay phần phật trên đầu.
Tối ngày thứ 2 đoàn nghỉ tại thị trấn Đồng Văn, một thị trấn nhỏ yên bình.
Ngày thứ ba 14/ 11/2016
Sáng với Cà phê phố cổ, lang thang thăm phố cổ Đồng Văn, tiếng là phố cổ nhưng chỉ có vài cái nhà cổ tường bằng đất thưng, mái lợp ngói cong, cửa gỗ, còn lại rất nhiều nhà đã cải tạo và xây mới làm cửa hàng rồi. Đi sâu vào trong dường như vào làng chứ không phải phố nữa, cũng chỉ có vài nhà cổ tường đất, có nhà tường đất đã nứt nẻ hết, chủ nhà để như nhà hoang rồi. Nếu địa phương không có kế hoạch gìn giữ, bảo tồn vài năm nữa sẽ không còn phố cổ Đồng Văn để thăm nữa.
Nghe tên Mèo Vạc đã lâu, dường như là nơi xa xôi hẻo lánh nhất, Mèo Vạc đây với đèo Mã Pì Lèng, 1 trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi phía bắc. Đây là đỉnh đèo với cảnh đẹp nhất mình đã từng qua. Xe lên tới đỉnh đèo, nhìn ra ngoài có cảm giác như đang đi trong mây, như mình đang bay trên những ngọn núi vương đầy mây trắng. Cảnh đẹp khiến người ta sững sờ, mọi người kêu lên xuýt xoa nhưng đường nhỏ nên xe không thể dừng giữa đường, rất nhiều thanh niên tây có, ta có đi phượt bằng xe máy đang dừng xe say sưa chụp ảnh bên lề đường. Xe chạy qua đỉnh đèo đến trạm dừng nghỉ mới có chỗ đỗ. May quá là trạm này cũng chỉ qua đỉnh đèo 1 chút thôi, cảnh tượng hùng vĩ bày ngay trước mắt. Những dãy núi cao xanh mướt với mây trắng quấn quanh, con đường chạy ngoằn nghèo lưng chừng sườn núi, nhìn xuống sâu hút phía dưới chân dãy núi là dòng sông Nho Quế lóng lánh chảy. Trạm dừng nghỉ này có địa thế rất đẹp, nằm ngay tại khúc cong, phía dưới trạm 1 chút là nơi địa hình tương đối phẳng, nằm trên vách đá chìa hẳn ra, có tường rào chắn, nơi mọi người có thể ngắm cảnh, chụp ảnh rất an toàn. Thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Không từ nào có thể tả hết vẻ đẹp vừa hùng vĩ của những dãy núi cao, vừa dịu dàng quyến rũ của những làn mây trắng, rồi dòng sông mềm mại dưới kia nữa, cả con đường uốn lượn trên sườn núi cũng tuyệt đẹp trong nắng sớm. Thực ra cả đời người bươn trải, tranh đấu, giàu ngèo, sướng khổ rồi cũng qua hết, đọng lại cuối cùng trong mỗi người chính là cảm xúc đẹp mà ta thu nhận được từ cuộc sống, cảm xúc đẹp từ thiên nhiên mà mình đang có đây thật ấn tượng và sẽ không thể quên. Ngắm cảnh, chụp ảnh không biết chán, ai cũng muốn lưu lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời.
Xe đã qua 4 huyện của tỉnh Hà Giang: Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, đang trên con đường có tên rất hay là đường Hạnh Phúc, đường này được xây dựng từ năm 1959 đến 1965 mới xong, rất gian khổ và nhiều hy sinh vì địa thế vô cùng hiểm trở và hoàn toàn bằng các thiết bị thô sơ, sức người là chính. Có đi trên đoạn đường này mới thấy quá khâm phục và biết ơn lớp người thế hệ trước.
Mê mải ngắm cảnh mãi rồi cũng phải đi tiếp thôi. Qua thị trấn Mèo Vạc rồi chiều tối về đến thành phố Hà Giang. Buổi tối nhóm mình lang thang phố Hà Giang, khám phá bánh trôi tàu, chè vừng đen nóng hổi, ngon tuyệt.
Ngày thứ tư 15/ 11/ 2016
Sáng cà phê phố Hà Giang rồi tạt qua 1 chợ nhỏ ngay đấy, mọi người mua đủ thứ sản vật miền núi : măng, rau sạch, rượu ngô, cam quýt… Rồi, thẳng tiến về Tuyên Quang ăn trưa.
Hóa ra bạn Lộc học cấp 3 ở Tuyên Quang nên có ngay mấy ông bạn học chờ sẵn đoàn ở đây, đưa đoàn ra ăn trưa tại nhà hàng nổi trên sông Lô, ngay bên cầu Tuyên Quang. Nhà hàng trên 1 chiếc xà lan được cải tạo rất tiện nghi, dòng sông Lô trong xanh, gió thổi lồng lộng, phía bờ bên kia là ruộng ngô xanh mướt. Tất nhiên các món đều là cá rất ngon.
Về đến Vĩnh Yên vào nhà đón anh Lượng, rồi mọi người cùng rẽ vào thăm ga Hương Canh-một thời để nhớ. Cũng thấy xúc động khi gặp lại ga Hương Canh nhiều kỷ niệm, lại tíu tít chụp ảnh, lại những câu chuyện thời sinh viên trốn vé, nhảy tàu…
Tạm chia tay nhé, hẹn ngày mai gặp nhau sẽ đi thăm xung quanh Hà Nội, rồi tiếp đến ngày hội trường ĐHXD kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập.
Đêm về lại mơ thấy những ruộng bậc thang, những vườn hoa tam giác mạch nở muộn, những đỉnh núi ẩn hiện trong mây trắng, những con đường bồng bềnh, những dòng sông lấp ánh trong nắng và nhất là những khuôn mặt bạn bè thân yêu đang cười rất tươi.